Chờ...

Để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu độc giả, thị trường

HÀ NỘI - Chiều 25/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.

Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.

251120240236-z6067286353846_e979e7c3fa648b5cb9743474445040d1
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: QH

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phảm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.

Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.

251120240242-z6067431565968_db44c5138a8855b512d70d7f518006d2
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang - Ảnh: QH

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.

Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn.

Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.