“Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”

(VOH) - Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức và thói quen dùng hàng Việt.

Việc người Việt sử dụng hàng Việt còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đề cao tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TPHCM – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TPHCM trao đổi cùng VOH.

VOH :Thưa bà, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được 10 năm, theo bà đánh giá, đã làm được những việc gì và những việc gì chưa làm được?

Qua 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa và nỗ lực phấn đấu trong thực hiện với nhiều cách làm, năng động, sáng tạo và hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn Thành phố ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố có chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Một số sản phẩm như: cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản, thực phẩm, nông sản, rau quả, đồ gỗ, hàng may mặc, điện tử, vật liệu xây dựng,… ngày càng tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của Thành phố, hàm lượng trí tuệ và công nghệ trong sản phẩm còn thấp. Với dân số hơn 8 triệu người, thị trường Thành phố có tiềm năng lớn để phát triển, nhưng chưa được quan tâm đầu tư khai thác xứng tầm. Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận lớn người tiêu dùng…

người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam

VOH: Tâm lý của người tiêu dùng trong nước đã chuyển biến như thế nào sau 10 năm thực hiện cuộc vận động?

Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019, có 4 vấn đề chính về tâm lý người tiêu dùng trong nước như sau: Năm 2019, nội dung phát triển hệ thống các đại lý bán buôn, bán lẻ không có thay vào đó là thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi. Bên cạnh yếu tố về giá cả và chất lượng sản phẩm, thì sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, người tiêu dùng đã chú ý nhiều hơn đến các yếu tố về độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe. Kết quả khảo sát qua các năm cho thấy đây là nhóm sản phẩm luôn được người dân ưa chuộng trong mua sắm.

Cùng một mặt hàng, giá thành, chất lượng sản phẩm như nhau, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ như sau:

- 72,66% ý kiến cho biết sẽ ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước;

- 51,26% ý kiến người thăm dò cho biết ưu tiên lựa chọn hàng hóa xuất xứ từ các nước Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản…);

- 32,81% ý kiến cho biết sẽ chọn hàng hóa xuất xứ từ các nước Châu Âu.

- 31,56% ý kiến lựa chọn hàng hóa xuất xứ từ Mỹ;

- 16,39% lựa chọn hàng hóa xuất xứ từ Đông Nam Á.

Kết quả cho thấy người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam (trong cùng điều kiện tương đương về giá cả, chất lượng) so với hàng hóa từ các nước khác. Đây cũng là yếu tố để các doanh nghiệp trong nước lưu ý vấn đề thương hiệu sản phẩm, quảng bá để giúp người tiêu dùng có cơ sở so sánh, tìm hiểu khi quyết định mua hàng.

VOH: Trong cuộc vận động này, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Bà chia sẻ về một vài mô hình doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả? Và doanh nghiệp cần làm gì để được người tiêu dùng tín nhiệm hơn?

Qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm, tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tổ chức thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Tiêu biểu trong cuộc vận động 10 năm qua có thể kể đến các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Hương Mi (tích cực tham gia chương trình bình ổn mùa khai giảng), Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood (đơn vị dẫn đầu Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng Sữa), Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co.op)

Đồng thời, doanh nghiệp chính là đầu kéo trong chuỗi phân phối, do đó, cần có những quy tắc nâng cao chất lượng sản phẩm đầu vào để hệ thống sản xuất chạy theo, từ đó làm gia tăng chất lượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Làm được những việc này sẽ dần tạo được sự an tâm, tin tưởng của khách hàng cho sản phẩm Việt.

VOH :Theo bà liệu rằng vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có phải là một thách thức lớn đối với hàng Việt trên con đường chinh phục trái tim của người Việt hay không?

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất. Bên cạnh đó, vẫn còn bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường bỏ qua khi phát hiện hàng giả.

Do đó, Khi doanh nghiệp Việt đang từng bước nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng bị rào cản từ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì đây thực sự là một thách thức lớn trên con đường chinh phục người Việt.

Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, người tiêu dùng có vai trò to lớn, nhận thức, thái độ và hành vi của người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng nhái, hàng giả. Tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác; lựa chọn kênh mua hàng uy tín là một trong những cách hiệu quả để hạn chế tối đa việc mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

VOH: Nhân đây bà chia sẻ cụ thể thêm là trong thời gian tới MTTQVN TPHCM sẽ có những đổi mới như thế nào để thúc đẩy cuộc vận động thêm hiệu quả hơn?

Để thúc đẩy cuộc vận động thêm hiệu quả hơn, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể, đưa Cuộc vận động trở thành nội dung trọng tâm thường xuyên của Mặt trận, tạo thành phong trào hành động trong nhân dân.

Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sâu rộng đến các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.

Tổ chức phát động cán bộ Mặt trận nêu cao tính gương mẫu, tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình và cộng đồng, từng bước nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Phối hợp các cơ quan báo đài xây dựng chuyên đề, thường xuyên cập nhật, đưa tin về nội dung thực hiện Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; các chương trình định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam; giới thiệu những thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam thông qua các kênh truyền hình.

Tổ chức hội chợ, phiên chợ, gian hàng giới thiệu nông sản, phối hợp các đơn vị phân phối bán hàng lưu động và bán hàng bình ổn thị trường tại các khu ký túc xá, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu dân cư đông công nhân nhằm quảng bá hàng Việt.

Bản tin Mặt trận, Trang Thông tin điện tử thường xuyên thông tin chuyên đề về Cuộc vận động. Màn hình điện tử cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố giới thiệu miễn phí về thương hiệu doanh nghiệp của Thành phố tích cực tham gia cuộc vận động.

VOH: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bình luận