Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đề nghị có chế tài xử lý thật nặng đối với đối tượng xâm hại, bạo lực trẻ em

(VOH) - Có hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục hơn 6.000 trẻ em, chiếm gần 74% tổng số trẻ em bị xâm hại; Bạo lực trẻ em gần 860 trẻ em, chiếm gần 10% tổng số trẻ em bị xâm hại...

“Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính hơn 8.000 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau… Trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng đột biến thời gian gần đây.” Đây là con số đau lòng được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ tại phiên họp sáng 27/5 của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14.

Cả nước có gần 25.000.000 trẻ em, chiếm gần 26% tổng dân số cả nước. Có hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục hơn 6.000 trẻ em, chiếm gần 74% tổng số trẻ em bị xâm hại; Bạo lực trẻ em gần 860 trẻ em, chiếm gần 10% tổng số trẻ em bị xâm hại; Có hơn 100 trẻ em bị mua bán, bắt cóc,… Ngoài số trẻ em bị xâm hại bởi các hình thức nêu trên, còn có hơn 790.500 trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động; gần 157.000 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và gần 13.500 trẻ em 15 tuổi tảo hôn.

Ảnh minh họa - Nguồn: TTO

Nhiều đối tượng xâm hại lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn… mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ ra những bất cập còn tồn tại: “Công tác hỗ trợ can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế, nhiều địa phương chưa thống kê chính xác, đầy đủ số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nên không cảnh báo được nguy cơ. Biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em chưa tương xứng với tình hình. Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao, hầu như chưa tổ chức thanh tra, chuyên sâu về phòng chống xâm hại trẻ em. Qua thanh tra, kiểm tra rất ít phát hiện được vi phạm”.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên cũng nêu nguyên nhân quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống xâm hại trẻ em. “Theo tôi, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, một khi cấp ủy chính quyền, cơ quan chuyên môn nhận thức chưa đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng chống xâm hại trẻ em. Trong các nhóm giải pháp đưa ra rất toàn diện. Tuy nhiên, tôi thấy còn thiếu là vì nguyên nhân trên chua được xử lý một cách triệt để, chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cơ quan hoặc cá nhân nào lại bị kiểm kiểm vì thiếu trách nhiệm đẻ xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, do đó, cần phải xử lý để nêu gương”, đại biểu Hồng Vân ý kiến.

Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn đại biểu Quốc hội Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, hiện có số tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhưng rất ít người biết đến để được tư vấn, xử lý giúp đỡ khi có các trường hợp xâm hại trẻ em. Trong thời kỳ giám sát, tổng đài đã tiếp nhận 2.000 ca trẻ em bị xâm hại. Theo đại biểu, cần tuyên truyền và thông báo, dán rộng rãi số tổng đài này ở các nơi công cộng để nhiều người biết đến. Đặc biệt, nên bắt buộc dán số tổng đài này ngay tại nơi có nguy cơ xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em.

Mặt khác, đại biểu cũng đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra nhiều vụ việc xâm hại trẻ em. Điều này là thích đáng. Tuy nhiên, nhiều trường học ngại quy trách nhiệm nên đã không báo cáo đầy đủ các trường hợp bạo lực học đường xảy ra.

Đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị xử lý nghiêm những người đứng đầu nhà trường không báo cáo kịp thời, đầy đủ các vụ xâm hại, bạo lực xảy ra.

“Thứ nhất là sửa đổi điều 207, 208 Bộ Luật Tố tụng Hình sự. Hiện nay, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thời hạn cơ quan tiến hành tố tụng xem xét ra quyết định trưng cầu giám định là 7 ngày và thời hạn giám định không quá 9 ngày. Xin kiến nghị Quốc hội nxem xét, sửa đổi rút ngắn thời gian cơ quan tiến hành tố tụng xem xét ra quyết định trưng cầu giám định và thời hạn giám định đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Thứ hai, tăng mức xử phạt hình phạt. Theo tôi, ngoài các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân là hình thức, mức xử phạt còn nhẹ, chưa tương thích với hành vi phạm tội và hậu quả tổn thất nặng nề đến thể chất và tinh thần hiện tại và sau này đối với trẻ em. Do vậy, trân trọng đề nghị nghiên cứu, xem xét chế tài, xử phạt người vi phạm theo hướng tăng nặng và thật nặng”, đại biểu Minh Tuấn đề nghị.

 

Bình luận