Chờ...

Đề nghị “coi lại” cách sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế

(VOH) - Câu chuyện về Quỹ bảo hiểm y tế và các dịch vụ đi kèm là mối băn khoăn của toàn xã hội.

Tại buổi thảo luận ở tổ  của Quốc Hội về tình hình hình tế xã hội trong năm 2016 cũng như 4 tháng đầu năm 2017, việc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế lại được các đại biểu đặt ra với nhiều vấn đề, thách thức.

Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng, tình trạng trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế là có thật song trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội chỉ đề cập đến số liệu thô, chưa đề cập rõ về nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục, cách nào để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này cũng bị bỏ ngõ. Báo cáo chưa đề cập có bao nhiêu phần trăm dân sử dụng Bảo hiểm y tế, trong số đó có bao nhiêu người thực sự được thụ hưởng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM)

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) có hay không tình trạng quản lý Quỹ bảo hiểm y tế chưa hiệu quả nên xảy ra tình trạng siết chi chặt chẽ. Tình trạng này dẫn đến thực tế là bản thân người sử dụng Bảo hiểm y tế rất thiệt thòi, trong khi các bệnh viện lâm vào tình trạng hết sức bị động, không dám phát huy tốt nhất điều kiện hiện có để khám, chữa trị cho bệnh nhân:

"Tìm cách giảm chi Quỹ để không vỡ là điều hợp lý nhưng chúng ta không chỉ có một biện pháp duy nhất là giảm chi. Phải nhìn tổng thể mình đã điều hành quỹ này như thế nào, trang bị công nghệ thông tin tới đâu.

Bảo hiểm y tế là một chính sách rất tốt, giúp người người bệnh điều trị an tâm hơn về chi phí, đặc biệt là người nghèo. Vì vậy, theo tôi phải tìm cách quản lý hiệu quả chứ không phải cứ cái gì dễ thì làm, còn những gì khó khăn, thiệt thòi thì đổ cho bệnh nhân và cho ngành y tế".

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TPHCM).

Tại cuộc họp báo mới nhất, trong 4 tháng đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội phát hiện có gần 2.800 trường hợp đi khám từ 50 lần trở lên với 160.000 lượt khám. Bảo hiểm xã hội cũng phát hiện có 195 trường hợp đi khám thường xuyên tại 4 cơ sở khám chữa bệnh với tổng số tiền đề nghị thanh toán hơn 7,7 tỷ đồng. Vì còn nhiều khúc mắc nên Bảo hiểm xã hội đã tạm treo thanh toán, chờ xác minh cụ thể.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM), không phải vì quản lý không được lại “thắt chi”. Đây là cách làm không ổn, đi ngược lại với mục tiêu chung và ảnh hưởng đến tâm lý người dân, càng khiến cho người dân đắn đo mua bảo hiểm y tế, trong khi chủ trương của Nhà nước ta là phát động sử dụng bảo hiểm y tế. Đề nghị nên đem vấn đề này ra nghị trường để bàn sâu về việc sử dụng kinh phí Bảo hiểm y tế:

"Tôi đề nghị nên bàn thành một chủ đề chứ không khéo nó sẽ đi ngược lại và đem lợi ích lại cho người khác chứ không phải bản thân người mua thẻ bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề nóng, ảnh hưởng đến toàn dân chứ không phải riêng một bộ phận nào. Quốc hội nên thảo luận và có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này".