Đề xuất bố trí hơn 10.000 tỉ đồng để tháo gỡ khó khăn tại 8 dự án BOT

VOH - Bộ Giao thông vận tải vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về phương án xử lý các dự án BOT gặp khó khăn, vướng mắc.

Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải nêu các nguyên tắc, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc 8 dự án BOT và đề xuất giải pháp xử lý, chia làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Sửa đổi hợp đồng, bổ sung khoảng 1.557 tỉ đồng vốn nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng với 2 dự án BOT có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi gồm dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối Thái Bình và Hà Nam, dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang).

Trong đó, dự án BOT cầu Thái Hà cần bổ sung 1.024 tỉ đồng vốn nhà nước hỗ trợ vì dự án có doanh thu 3 năm 2021-2023 sụt giảm, chỉ đạt 15 - 19% so với hợp đồng.

Đề xuất bố trí hơn 10.000 tỉ đồng để tháo gỡ khó khăn tại 8 dự án BOT 1
Ảnh minh hoạ

Nguyên nhân khiến doanh thu dự án này sụt giảm vì đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội chưa triển khai dù quy hoạch đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2020; cầu Hưng Hà nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành năm 2019, không thu phí khiến lượng xe qua cầu Thái Hà sụt giảm.

Dự án BOT cầu Văn Lang có doanh thu 3 năm 2021-2023 sụt giảm chỉ đạt khoảng 30% so với hợp đồng do địa phương đầu tư 2 tuyến đường tỉnh, mở thêm nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến lượng xe tải, xe container qua cầu Văn Lang chỉ đạt hơn 20% so với phương án tài chính.

Nhóm 2: Bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỉ đồng cho dự án BOT hầm Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân) do dự án không được thu phí đường La Sơn - Túy Loan theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như hợp đồng đã ký.

Nhóm 3: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án gồm dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi và đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đã hoàn thành nhưng không được thu phí;

2 dự án BOT chỉ được thu phí 1 trạm trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi là dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, thành phố Cần Thơ (không được thu phí tại trạm T2) và dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (không được thu phí tại trạm quốc lộ 3);

1 dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự là dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610, tỉnh Đắk Lắk bị sụt giảm doanh thu (năm 2022, 2023 doanh thu đạt 36 - 43% so với hợp đồng) do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ.

Dự án này được UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị chấm dứt hợp đồng, bố trí vốn để thanh toán cho nhà đầu tư nhằm bảo đảm ổn định về an ninh trật tự và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Tây Nguyên.

Bình luận