Đề xuất cấm xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng từ 2025

VOH - Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc cấm xuất cảnh với các trường hợp nợ thuế kéo dài, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Theo đó, biện pháp này sẽ được áp dụng với cá nhân và doanh nghiệp có số tiền thuế nợ quá hạn từ 120 ngày trở lên, nhằm tăng cường thu ngân sách và nâng cao ý thức tuân thủ thuế.

Dự thảo quy định các trường hợp sau đây có thể bị tạm hoãn xuất cảnh:

  1. Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh: Nợ thuế quá 120 ngày với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên.
  2. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã: Nợ thuế trên 120 ngày với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên và thuộc diện bị cưỡng chế thuế.
  3. Cá nhân nợ thuế, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đăng ký: Sẽ bị áp dụng ngay biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để đảm bảo thu hồi nợ.

Cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh thông qua phương thức điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan thuế nếu không liên lạc được với người nộp thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo mà người nợ thuế không hoàn thành nghĩa vụ, cơ quan thuế sẽ gửi văn bản chính thức đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện lệnh cấm.

Thue TNDN

Bộ Tài chính cho biết, biện pháp hạn chế đi lại với các trường hợp nợ thuế lớn đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Malaysia và Mỹ, mang lại kết quả tích cực trong việc thu hồi nợ thuế. Thống kê gần đây cho thấy nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam đã tự giác nộp thuế sau khi nhận thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Ước tính, nếu quy định được thông qua, cả nước sẽ có khoảng 380.000 cá nhân thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh. Trong đó, nếu ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh là từ 50 triệu đồng và doanh nghiệp từ 500 triệu đồng, con số này giảm xuống còn 81.000 cá nhân. Nếu nâng ngưỡng nợ cá nhân lên 100 triệu đồng và doanh nghiệp lên 1 tỷ đồng, số cá nhân thuộc diện cấm chỉ còn khoảng 40.000.

Bộ Tài chính khẳng định, thời gian nợ thuế quá 120 ngày là hợp lý, vừa đảm bảo công tác thu hồi nợ, vừa tránh gây khó khăn cho môi trường kinh doanh. Quy định này góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đồng thời tăng cường nguồn thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh cần tối ưu hóa hiệu quả quản lý thuế.

Bình luận