Đề xuất cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật

VOH - Sáng 15/5, tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là Chính phủ đề xuất bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, đồng thời đề xuất bỏ thẩm quyền này đối với cấp huyện.

Theo Chính phủ, đây là bước đi nhằm cụ thể hóa chủ trương tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã), hướng tới bỏ đơn vị hành chính cấp huyện trong tương lai. Chính quyền cấp xã hiện được xác định là cấp tổ chức thực hiện chính sách, trực tiếp phục vụ người dân và giải quyết các vấn đề của cộng đồng, do đó cần được trao thêm quyền chủ động, trong đó có việc ban hành văn bản QPPL.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất trao cho UBND cấp xã thẩm quyền ban hành quyết định để phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nguyen Hai Ninh 2025
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh: QH

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng – đại diện cơ quan thẩm tra – đề nghị cân nhắc nội dung này. Theo ông Tùng, UBND cấp xã là cấp chính quyền cơ sở, có vai trò gần dân, sát dân và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thực hiện nhiệm vụ. Nếu trao quyền phân cấp cho cấp xã, có thể vô tình tạo thêm tầng trung gian trong bộ máy, gây khó khăn trong giải quyết công việc.

Cơ quan thẩm tra cũng viện dẫn rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và dự thảo sửa đổi đang trình Quốc hội cũng không giao thẩm quyền phân cấp cho cấp xã. Thay vì trao quyền ban hành quyết định phân cấp, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề xuất quy định linh hoạt hơn: cho phép cấp xã thực hiện phân công, ủy quyền cho các tổ chức, bộ phận chuyên môn hoặc cá nhân trong hệ thống chính quyền cấp xã để đảm nhiệm một số nhiệm vụ cụ thể, nhất là trong bối cảnh các đơn vị hành chính sau sắp xếp có diện tích và dân số lớn.

Về quy định chuyển tiếp, Chính phủ đề xuất giữ hiệu lực các văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành trước khi sắp xếp, cho đến khi có văn bản thay thế của HĐND, UBND cấp xã hoặc chậm nhất là đến ngày 1-3-2027.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng thuận với hướng này và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ các quy định liên quan đến chuyển giao nhiệm vụ, bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý sau sắp xếp đơn vị hành chính. Đặc biệt, cần làm rõ cách xử lý trong các trường hợp địa phương cấp xã mới được hình thành từ nhiều địa phương cấp huyện khác nhau – điển hình như tại TPHCM – khi văn bản QPPL giữa các địa phương có sự khác biệt.

 
Bình luận