Theo Bộ Y tế, việc cho phép nghỉ thai sản 7 tháng là một trong những biện pháp khuyến khích sinh đủ hai con, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và những địa phương có mức sinh thấp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con, cùng các chính sách ưu tiên khác nhằm thúc đẩy mức sinh thay thế.
Từ số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2024, có hơn 552.000 lượt người được giải quyết chế độ thai sản cho sinh một con, với kinh phí hơn 22.787 tỉ đồng. Mỗi người được hưởng trung bình 6 tháng với mức trợ cấp khoảng 37,2 triệu đồng, tương đương 6,2 triệu đồng/tháng.

Cũng trong năm 2024, có 6.531 lượt người được chi trả chế độ thai sản cho sinh con thứ hai, với kinh phí khoảng 354,2 tỉ đồng. Mỗi người được nhận trung bình 46,2 triệu đồng cho 6 tháng (khoảng 7,7 triệu đồng/tháng). Với việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản thêm một tháng, ngân sách dự kiến phải chi thêm khoảng 50,3 tỉ đồng/năm.
Không chỉ dừng ở chính sách nghỉ thai sản, dự thảo Luật Dân số cũng đưa ra nhiều giải pháp toàn diện để nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với già hóa dân số. Trong đó bao gồm: phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và tại nhà, cấp học bổng, hỗ trợ học phí cho sinh viên học ngành lão khoa, xây dựng các cơ sở chăm sóc tập trung cho người cao tuổi...
Bộ Y tế còn đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số từ 30 triệu lên 100 triệu đồng, đồng thời đề nghị Chính phủ định kỳ công bố các địa phương có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để có biện pháp can thiệp phù hợp.
Theo Bộ Y tế, tỉ số giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện đã lên mức 111,4 bé trai/100 bé gái – cao hơn nhiều so với mức cân bằng tự nhiên. Nếu tình trạng này kéo dài, đến năm 2039, Việt Nam có thể thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn; đến năm 2059, con số này có thể lên tới 2,5 triệu người. Hệ quả là nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, gia tăng các tệ nạn xã hội, buôn người, bạo lực giới...
Dự thảo Luật Dân số dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước chuyển quan trọng, đánh dấu sự thay đổi từ “kế hoạch hóa gia đình” sang chiến lược dân số và phát triển toàn diện.