Chính phủ cho rằng việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội nhằm hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Căn cứ nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ngân sách sẽ hỗ trợ một phần trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Một phần nguồn lực xã hội sẽ khuyến khích hỗ trợ để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. Đồng thời, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm dần phù hợp với điều kiện của ngân sách.
Về cơ sở thực tiễn, tờ trình của Chính phủ cho biết, tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).
Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Việt Nam xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nhận trợ cấp hưu trí xã hội.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách từng thời kỳ.
Việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 - 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.