Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trong cộng đồng học sinh cả nước.
Theo chương trình, đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cá nhân liên quan sẽ được nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng, chống đuối nước, đạt 100% vào năm 2035. Đồng thời, 70% học sinh sẽ được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước vào năm 2030, con số này dự kiến tăng lên 90% vào năm 2035.
Về kỹ năng bơi an toàn, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 sẽ biết bơi an toàn. Đến năm 2035, tỷ lệ này sẽ lần lượt đạt 70%, 80% và 90%.
Chương trình cũng chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất. Đến năm 2030, ít nhất 20% trường tiểu học, 15% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ có bể bơi (cố định hoặc di động), và 50% xã, phường, thị trấn sẽ sở hữu ít nhất một bể bơi phục vụ việc dạy bơi cho trẻ em, học sinh. Đến năm 2035, con số này sẽ tăng lên 30% đối với các trường học và 70% đối với các xã, phường, thị trấn.
Chương trình cũng đề ra kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên. Đến năm 2030, 70% cán bộ quản lý và giáo viên sẽ được đào tạo về phòng, chống đuối nước và đạt 95% vào năm 2035. Mỗi trường sẽ có ít nhất hai giáo viên được cấp chứng nhận đủ năng lực dạy bơi an toàn vào năm 2030 và tăng lên ba giáo viên vào năm 2035.
Ngoài ra, 85% người làm công tác y tế trường học sẽ được bồi dưỡng kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước vào năm 2030 và đạt 100% vào năm 2035.
Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc, đặc biệt tập trung vào cấp tiểu học, trung học cơ sở và các cộng đồng dân cư cấp xã. Các giải pháp thực hiện bao gồm tổ chức tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất và hoàn thiện cơ chế chính sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao làm cơ quan thường trực để tổ chức và giám sát thực hiện chương trình này.