Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Địa phương chưa tin tưởng giao việc cho trí thức trẻ tình nguyện theo đề án 500

Mặc dù trí thức trẻ được đánh giá ghi nhận, nhưng địa phương chưa có định hướng quy hoạch trí thức trẻ công tác lâu dài tại địa phương, đó là điều trăn trở của hầu hết trí thức trẻ của Đề án 500.  

Sáng nay, 26/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020, gọi tắt là Đề án 500.

Mặc dù trí thức trẻ được đánh giá ghi nhận, nhưng địa phương chưa có định hướng quy hoạch trí thức trẻ công tác lâu dài tại địa phương, đó là điều trăn trở của hầu hết trí thức trẻ của Đề án 500.  

Nguyễn Duy Khánh, quê ở Đồng Tháp, công tác tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, một trong 500 đội viên Đề án 500 chia sẻ tại Hội nghị

Nhiều trí thức trẻ bày tỏ, trong khi họ có khao khát làm điều gì đó đột phá cho địa phương nhưng lại gặp sự cản trở từ tâm lý ngại thay đổi của chính quyền địa phương. Thậm chí có một số địa phương vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa về Đề án này nên vẫn chỉ coi trí thức trẻ của Đề án 500 như “người ngoài”, khiến cho trí thức trẻ không biết đi đâu, về đâu sau khi kết thúc Đề án.  

Anh Nguyễn Minh Bính, công tác tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, bày tỏ ngay khi về công tác anh đã mạnh dạn thực hiện cải cách hành chính tại xã như triển khai văn phòng điện tử, phần mềm quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Tuy nhiên, điều anh trăn trở đó là việc phải mất nhiều thời gian để thuyết phục, kiên nhẫn thực hiện vì vướng tâm lý ngại thay đổi của địa phương. Anh Bính cho biết bất kỳ sự thay đổi nào cũng tạo ra sự khó khăn cho công chức tại nơi làm việc. “Đơn cử, mình triển khai công tác ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử, ban đầu không ai dùng”, anh Bính nói.

Trong khi đó, nhiều trí thức trẻ bày tỏ, dù được đánh giá hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, có tinh thần nhiệt huyết cống hiến, tuy nhiên, chưa được chính quyền địa phương quan tâm trong việc quy hoạch, bố trí công tác.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ đã làm một phép thử ngay tại Hội nghị khi đặt câu hỏi, bao nhiêu người chưa được địa phương tin tưởng giao việc, có đến 20/120 trí thức trẻ giơ tay đồng tình. Ông Vũ Đăng Minh bày tỏ sự đồng cảm khi cho rằng, trí thức trẻ của Đề án 500 phải làm công việc gì khác so với công chức bình thường tại địa phương, nếu giống như tuyển công chức bình thường thì Đề án này không còn ý nghĩa nữa.

Do đó, nếu chính quyền địa phương không thật sự tin tưởng trí thức trẻ, thì họ khó có thể phát huy được tài năng và không có cơ hội khẳng định mình ông Minh cho rằng khó khăn nhất vẫn là nhận thức. "Cấp ủy, chính quyền, bí thư các xã chưa nhận thức đầy đủ, vẫn coi các em là  người tình nguyện đến xong rồi lại đi. Chính vì vậy nên chưa phân công công chức có chuyên môn nghiệp vụ để hướng dẫn các bạn ngay từ ban đầu. Thứ nữa là phải có hướng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để phát triển Đảng, hướng bố trí sử dụng sau này”, ông Minh nói.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ phát biểu.

Thu hút trên 5.300 hồ sơ của trí thức trẻ đăng ký tham gia Đề án, Bộ Nội vụ đã tuyển chọn đội viên Đề án của 34 tỉnh với tổng số 500 đội viên. Trong đó, 100% đội viên đều tốt nghiệp từ đại học trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng chức danh công chức cấp xã và phù hợp với nhu cầu địa phương. Trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số tham gia Đề án xấp xỉ 50%, là thuận lợi rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của đội viên đề án ở cùng dân tộc, miền núi, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chính sách đối với người dân tộc thiểu số./.

Bình luận