Các cơ quan chức năng đã phải tiêu hủy hàng chục ngàn con gia cầm tại bốn tỉnh, TP là Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Ảnh minh họa.
Cụ thể:
Tỉnh Quảng Ninh có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy toàn bộ đàn gà 3.000 con.
Tỉnh Thanh Hóa có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã, 2 huyện (Nông Cống và Quảng Xương) buộc phải tiêu hủy hơn 20.000 con gia cầm.
Tỉnh Nghệ An cũng có 3 ổ dịch, xảy ra tại 3 xã, 2 huyện, buộc phải tiêu hủy 344 con gia cầm.
Thành phố Hà Nội có 1 ổ dịch tại 11 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Tổng số gia cầm mắc bệnh là 1.860 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.397 con.
Theo Cục Thú y, cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine.
Cục Thú y dự báo trong thời gian tới dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là hiện tổng đàn gia cầm rất lớn với 467 triệu con; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỉ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.
Trước tình hình dịch bệnh trên gia cầm có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục đã yêu cầu các chi cục thú y vùng lập đoàn công tác đến các địa phương đang có ổ dịch cúm gia cầm cũng như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; các địa phương có ổ dịch cũ và địa phương có nguy cơ cao để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Các chi cục thú y vùng cũng phải bố trí cán bộ trực, xét nghiệm và nguyên vật liệu xét nghiệm các loại dịch bệnh, đảm bảo việc xét nghiệm kịp thời, chính xác để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng, chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.