Trước tình trạng dịch tả heo châu Phi tung hoành, TPHCM ra sức ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan vào thành phố. Xung quanh nội dung này, phóng viên VOH phỏng vấn nhanh Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Phùng Đức Tiến.
* VOH: Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn TPHCM thời gian qua?
- Ông Phùng Đức Tiến: Qua theo dõi tình hình phòng, chống dịch tả heo Châu Phi ở TPHCM, thì phải nói TPHCM làm rất tốt.
Trên địa bàn rộng như thế này, tới 274.000 con heo, chăn nuôi nhỏ lẻ là chính, vẫn sử dụng thức ăn dư thừa. Trong cả quá trình dài như vậy, từ ngày 1/2/2019 đến bây giờ vẫn chưa xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn TP. Điều này cho thấy Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và các sở, ban ngành của TP, đã vào cuộc một cách rất quyết liệt, quản lý rất chặt chẽ, trong đó, giải quyết đồng bộ các giải pháp. Chính vì vậy, đến bây giờ TPHCM vẫn giữ được đàn heo.
(Ảnh minh họa: TPO)
* VOH: Theo ông chúng ta cần có biện pháp gì để giảm áp lực cho việc phòng, chống dịch?
- Ông Phùng Đức Tiến: Khi xảy ra xâm nhiễm thì tỷ lệ heo chết gần 100%. Trước tình hình dịch tả heo Châu Phi như thế này, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ đưa ra một số giải pháp. Để giảm áp lực cho phòng, chống dịch, nâng cao được hiệu quả, giảm được chi phí tiêu hủy, giảm được số heo phải tiêu hủy, thì trong thời gian chống dịch, để đảm bảo nguồn cung cho những tháng cuối năm, thì Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp giết mổ, cấp đông, dự trữ để bình ổn vào những tháng cuối năm. Vì nếu chúng ta thiếu, thì chúng ta vẫn phải nhập thịt cấp đông.
Như TPHCM báo cáo là các doanh nghiệp vẫn đang dự trữ cấp đông; bây giờ chúng ta hỗ trợ thêm – Thứ nhất, để đảm bảo hiệu quả cấp đông dự trữ của các doanh nghiệp được cao hơn; Thứ hai, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi heo; Thứ ba là cũng nâng cao được hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Vấn đề bây giờ là gì? Là số lượng kho lạnh đảm bảo được bao nhiêu phần trăm? Với chính sách như thế thì có đẩy được lượng dự trữ này đảm bảo được bình ổn trong suốt quý 3, quý 4 hay không?
* VOH: Số tỉnh có đàn heo mắc bệnh tả heo Châu Phi không tăng, nhưng số lượng heo chết khi mắc bệnh tả tại các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng thì lại tăng. Tại sao như vậy, thưa ông?
- Ông Phùng Đức Tiến: Đối với các tỉnh phía Nam có đặc điểm riêng, các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng có đặc điểm riêng, các tỉnh miền Trung có đặc điểm riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc có đặc điểm riêng. Vừa rồi các tỉnh bồng bằng sông Hồng, mật độ chăn nuôi rất cao, chuồng heo liền kề với nhà ở, nếu chúng ta không siết thật chặt, không đảm bảo được an toàn sinh học thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, trong thời gian vừa rồi, số tỉnh có heo bị dịch tả tăng không nhiều, nhưng số heo chết ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng thì lại rất cao.
* VOH: Nhiều địa phương chưa có kinh phí chi trả, hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có heo bị dịch tả, chúng ta sẽ có giải pháp gì để người dân yên tâm trong tham gia phòng, chống dịch tả heo Châu Phi?
- Ông Phùng Đức Tiến: Vừa rồi, sau khi kiểm tra xem xét đánh giá lại tình hình, nhiều địa phương cho có kinh phí để chi trả, hỗ trợ cho người chăn nuôi. Để giải quyết phần chưa phù hợp của Nghị định 02 là 38.000/kg heo hơi thì Chính phủ có Nghi quyết 16 là tính tối thiểu 80% giá thị trường, đồng thời với heo đực và heo nái, trong thời gian sử dụng thì được tính 1,5 – 2 lần, tùy điều kiện của các địa phương. Và một trong những việc còn tồn tại thì chúng tôi cũng đề nghị với Chính phủ, và trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xem xét cân đối nguồn, hướng dẫn các địa phương chi trả phần đền bù này, làm sao để người dân yên tâm trong tham gia phòng chống dịch.
* VOH: Xin cám ơn ông!
Quyết tâm không để dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm vào TPHCM - Đến thời điểm này, TPHCM chưa phát hiện đàn heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Địa phương đầu tiên ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi - 68 con heo của hai gia đình tại hai xã ở tỉnh Hậu Giang được tiêu hủy sau khi phát hiện dịch bệnh.