Chờ...

Dịch tả heo châu Phi tái phát, hơn 4.000 con heo bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay

(VOH) - Dịch tả lợn Châu Phi lại tái phát trên diện rộng, nguồn cung giảm sút khiến nỗ lực đưa lợn hơi giảm về mức 60.000 đồng/kg của Chính phủ càng khó khăn.

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, lây lan diện rộng.

Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con heo.

dịch tả heo châu Phi

Cơ quan chức năng tiêu hủy một ổ dịch tả heo châu Phi. Ảnh: TTO

Theo Cục Thú y, nguyên nhân khiến dịch tái phát do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc.

"Các ổ dịch tái phát, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học", Cục Thú y cho hay.

Khi heo có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm mà bán hay, giết mổ heo để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, có tình trạng người chăn nuôi không báo cáo cho chính quyền hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời các trường hợp heo bệnh khi mới phát hiện.

Ngoài ra lực lượng thú y tuyến huyện, xã và thôn/bản vẫn còn thiếu nên không có người tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện, báo cáo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi gặp nhiều khó khăn. 

20 địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng, xử lý các trường hợp vi phạm...

Đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán heo để nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên đầu tháng 2/2019, trong vòng 7 tháng, dịch lan ra 63 tỉnh thành. Khoảng 6 triệu con lợn, tổng trọng lượng gần 340.000 tấn đã bị tiêu hủy, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch.

Trước nỗ lực của Bộ NNPTNT trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương tích cực tái đàn, tăng nguồn cung nhằm từng bước giảm giá thịt lợn trên thị trường, ngày 27/5, giá lợn hơi trên cả nước bất ngờ quay đầu giảm sau 1 tuần “tăng tốc”.

Tuy nhiên, giá heo hơi vẫn ở mức cao. Tại miền Bắc, giá lợn hơi tại tỉnh Hưng Yên giảm 4.000 đồng/kg, giảm còn 100.000 đồng/kg; Vĩnh Phúc giảm 3.000 đồng/kg, còn 97.000 đồng/kg; nhiều địa phương khác giá lợn hơi giảm nhẹ, giá dao động từ 96.000 - 97.000 đồng/kg.

Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn ít biến động, nhưng vẫn ở mức cao, phổ biến từ  93.000-97.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm nhẹ, giao dịch ở mức từ 95.000-98.000 đồng/kg.

Mặc dù giá lợn hơi giảm đều trên cả nước từ 1.000-4.000 đồng/kg, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc giảm giá này chỉ tạm thời. Bởi hiện nay, nguồn cung đang giảm mạnh, dịch tả lợn Châu Phi lại có dấu hiệu tái nhiễm tại nhiều tỉnh, giá lợn hơi có khả năng sẽ bật tăng trở lại trong tuần tới, khi lứa lợn đạt trọng lượng trên 100kg/con được xuất bán hết.

Tiêu hủy 6 triệu con heo bệnh dịch tả heo châu Phi  – Theo Cục Thú y, tính đến ngày 24/12, bệnh dịch tả heo châu Phi phát sinh thêm 23 xã, số heo buộc phải tiêu hủy hơn 34.700 con.

Phòng bệnh trong chăn nuôi và tái đàn heo hiện nay được thực hiện như thế nào? - Hội nghị quốc tế về bệnh dịch tả heo châu Phi đã được tổ chức sáng nay (26/11) tại TPHCM.