Đấu giá hơn 188.000 biển số xe trên cả nước
Ngày 12/3, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam công bố danh sách biển số ô tô đưa ra đấu giá trong đợt đấu giá biển số trực tuyến lần thứ 3.
Trong hơn 188.000 biển số, Hà Nội chiếm nhiều nhất, với 27.300 biển, tiếp theo là TP.HCM với 17.970 biển, Thanh Hóa có 6.750 biển, Nghệ An có 6.720 biển…
Vẫn theo danh sách được niêm yết trên website đấu giá trực tuyến, đợt này có tới 26 biển số "ngũ quý" (5 số giống nhau).
Đáng chú ý là biển số 30K-888.88 của Hà Nội, dù chỉ mới niêm yết, đến nay đã có gần 1.000 lượt đăng ký tham gia đấu giá.
Ngoài ra còn nhiều biển số khác nhận được quan tâm như: 30L-333.33 của Hà Nội, 51L-555.55 của TP.HCM, 19A-666.66 của Phú Thọ, 43A-888.88 của Đà Nẵng…
Đề xuất dẫn nước ngọt sông Đồng Nai về Bến Tre
Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp và nguồn nước ngọt sông Mekong đang bị các nước thượng nguồn chi phối, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất nghiên cứu dẫn nước từ sông Đồng Nai về để sử dụng.
Ngoài ra, những giải pháp khác như đầu tư hệ thống cống ngăn mặn trên sông Hàm Luông, hệ thống cống ngăn mặn tại hai tiểu vùng Bắc Bến Tre và tiểu vùng Nam Bến Tre.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng thời điểm này mặn đạt mức cao nhất kể từ đầu mùa khô đến nay. Mặn đã lấn sâu vào các sông chính cao hơn trung bình nhiều năm từ 5km đến 15km. Theo dự báo, sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nhưng thấp hơn hiện tại.
Tại Bến Tre, độ mặn 4 phần ngàn xâm nhập cách các cửa sông chính từ 52 - 64km, xấp xỉ mùa khô năm 2016. Tuy nhiên, ông Hiệp đánh giá cao công tác phòng, chống hạn mặn của tỉnh Bến Tre nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bị thiệt hại gì đáng kể.
Sắp khởi công dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thiện các công việc liên quan, để đảm bảo khởi công dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trước ngày 30/4/2024.
Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giai đoạn 1 được đưa vào khai thác đầu năm 2021 với chiều dài 51km, 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 15,5m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ được đầu tư 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 6.355 tỉ đồng, sử dụng vốn vay Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc 200 triệu USD và vốn đối ứng phía Việt Nam hơn 94 triệu USD.
Sau khi thông xe, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được theo dõi độ lún từ 1 đến 2 năm mới bổ sung bê tông nhựa, và khi có chủ trương sẽ nâng cấp thêm các hạng mục để có tiêu chuẩn cao tốc.
Kiến nghị sửa đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 9 trước mùa mưa
Trước hư hỏng của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và quốc lộ 9 do lưu lượng xe tăng đột biến, thời tiết bất lợi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị kiến nghị sửa chữa trước mùa mưa năm nay.
Thời gian qua, xe đầu kéo, xe tải nặng chở than đá, nguyên liệu giấy, gỗ keo, sắn đi từ cửa khẩu quốc tế La Lay qua tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (huyện Đakrông), quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (huyện Đakrông và Cam Lộ) đến các cảng biển ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…
Lưu lượng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 500 - 600 lượt xe/ngày đêm, trên quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông khoảng 2.000 - 2.500 lượt xe/ngày đêm.
Thời tiết bất lợi như bão lũ và các đợt mưa lớn dài ngày làm kết cấu nền, mặt đường, lề và rãnh dọc của các tuyến này bị hư hỏng nghiêm trọng, mật độ dày đặc.
Giả nhân viên ngân hàng lừa đảo qua mạng
Công an thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Minh Phúc (29 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 7/3, 3 đối tượng khác cũng bị bắt với tội danh trên gồm: Nguyễn Thông Thái (29 tuổi), Dương Văn Tài (24 tuổi) và Trương Hán Chương (24 tuổi, cùng ngụ TPHCM).
Giả làm nhân viên ngân hàng, các đối tượng gọi điện cho chủ thẻ tư vấn nâng hạn mức thẻ, thu thập thông tin rồi đặt mua các loại hàng hóa có giá trị, qua đó chiếm đoạt số tiền lớn.
Chiêu trò lừa hợp đồng tư vấn làm việc ở nước ngoài
Hiện nay nhiều người lao động xem tin tức trên mạng xã hội, nghe lời truyền miệng rồi đến các địa chỉ chưa được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hoặc xuất khẩu lao động.
Sau đó, với các thỏa thuận dễ đánh lừa, người lao động ký hợp đồng tư vấn, dịch vụ và nhầm tưởng đó là hợp đồng đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bản chất của sự việc là tư vấn, giới thiệu cho người lao động xin thủ tục nhập cảnh các nước theo hình thức du học kết hợp làm việc hoặc theo hình thức cá nhân, tức giới thiệu các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng để hướng người lao động Việt Nam tự thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng lao động.
Và người lao động phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để trả cho hợp đồng tư vấn này nhưng kết quả "tiền mất tật mang".
Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho hay, để tránh bị lừa đảo, người dân phải tìm hiểu thông tin chính thống, kiểm tra, đối chiếu thông tin để xác định các cá nhân, tổ chức có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hay đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay không? Từ đó, cần nâng cao cảnh giác.