Việt Nam khởi công nhà máy sản xuất sinh phẩm từ huyết tương, 6.000 lít huyết tương/năm
Thay vì phải nhập khẩu các sinh phẩm từ huyết tương điều trị cho người bệnh gây tốn kém, Việt Nam đã có nhà máy đầu tiên sản xuất sinh phẩm từ huyết tương đặt tại Khu công nghệ cao (TPHCM). Ngày 6/1, tại Khu công nghệ cao (TPHCM) đã diễn ra buổi lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sinh phẩm huyết tương.
Nếu dự án này đúng tiến độ, đây là nhà máy sản xuất sinh phẩm huyết tương đầu tiên tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động tháng 2-2026, với công suất phân đoạn 6.000 lít huyết tương/năm, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 250 triệu người. Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của cả ngành dược Việt Nam.
Mức sống tối thiểu người dân khoảng 1,8 triệu đồng/tháng
Kết quả khảo sát sơ bộ mức sống dân cư năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập và đời sống của hộ dân cư năm qua được cải thiện. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Nhưng mức sống tối thiểu của người dân năm 2024 chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Cụ thể, khu vực thành thị có mức sống tối thiểu khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng, khu vực nông thôn khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng. Mức sống tối thiểu được tính toán dựa vào giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến các nhu cầu thiết yếu của người dân như ăn, ở, mặc.
Đảm bảo người lao động được thưởng Tết cao hơn năm trước
Ngày 6/1, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết đã tổng hợp mức lương, thưởng Tết Nguyên đán 2025 của gần 1.300 doanh nghiệp sử dụng trên 880.000 lao động ở tỉnh, mức thưởng Tết trung bình cao hơn so với năm 2024. Với doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, tất cả người lao động đều thưởng Tết với mức 8 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp dân doanh bình quân 7 triệu đồng/người, cao nhất gần 170 triệu đồng/người, thấp nhất gần 5 triệu đồng/người. Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thưởng trung bình gần 11 triệu đồng/người, cao nhất là 823 triệu đồng/người, thấp nhất hơn 5 triệu đồng/người.
Cảnh báo lừa đảo đổi tiền, vay tiền và ứng dụng Signal
Thời gian cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng dịp Tết tăng cao. Thực tế, đã có nhiều người giao dịch đổi tiền mới nhưng nhận lại tiền đổi không đủ như cam kết, thậm chí là nhận được tiền giả, chuyển khoản xong, chủ tài khoản trang mạng xã hội đã chặn liên lạc, “bùng” tiền cọc.
Những người dính bẫy lừa đảo, bị đổi tiền giả đều không trình báo đến các cơ quan chức năng, vì sợ bị truy cứu trách nhiệm về tội mua bán tiền giả. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh thành nạn nhân, hoặc “tiếp tay” cho hành vi lừa đảo.
Vụ lừa đảo tiền của gần 600 người: Phạm Thị Tuyết Nhung bị đề nghị án chung thân
Ngày 6/1, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung, cựu Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) cùng 8 đồng phạm lừa đảo bán dự án "ma," chiếm đoạt hơn 834 tỷ đồng của gần 600 người. Theo điều tra, các bị cáo đã ký thỏa thuận chuyển nhượng 4 căn nhà các dự án không có thật cho 592 cá nhân, chiếm đoạt hơn 834 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên mức án chung thân đối với các bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Hồng Hạnh và Hồ Văn Thắng. Sáu bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 12-20 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.