Điểm tin sáng 17/4: Đề xuất không áp thuế nước sạch sinh hoạt | Vận hành thử tuyến metro số 1 cần 110 tỷ đồng

VOH - TPHCM đề xuất siết quản lý tình trạng shipper chạy ẩu; Cần Thơ xử phạt gần 400 triệu đồng các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm... là các tin đáng chú ý.

Đề xuất không áp thuế với nước sạch sinh hoạt

Tại hội thảo góp ý Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều 16/4, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị sửa đổi quy định tại điều 9 “nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt không bao gồm các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát chịu mức thuế 5%” thành mức thuế suất 0% vì nước sạch phục vụ sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân, thuộc lĩnh vực an sinh xã hội cần được ưu tiên và đặc biệt đảm bảo đúng theo Hiến pháp 2013 “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”.

Cùng quan điểm, thượng tá Nguyễn Minh Tâm, Công an TPHCM, cho rằng cần đưa nước sạch sinh hoạt ra khỏi danh sách chịu thuế để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xa, vùng núi vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận sử dụng nước sạch sinh hoạt.

cup nuoc
Đề xuất không áp thuế nước sạch sinh hoạt

TPHCM đề xuất siết quản lý tình trạng shipper chạy ẩu

Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết tình trạng shipper giao hàng bằng xe hai bánh cho các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử có tình trạng chở hàng cồng kềnh, chạy với tốc độ cao, dừng, đậu, tụ tập giao nhận hàng chiếm dụng lòng lề đường, thậm chí còn vừa chạy xe vừa dùng điện thoại.

Những điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất nhiều giải pháp như tăng cường tuần tra, xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông đối với công ty, shipper, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xử lý trực tiếp và qua hình ảnh hành vi dừng, đỗ phương tiện, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sai quy định.

Sở GTVT TPHCM cũng đề nghị UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện quan tâm chỉ đạo đơn vị chức năng tham mưu tổ chức giám sát, phát hiện và kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý, hướng dẫn chủ đầu tư, các đơn vị vận hành công trình chỉ được phép sử dụng khoảng lùi xây dựng công trình để bố trí dừng đỗ xe, điểm tập kết giao, nhận hàng hóa.

Vận hành thử tuyến metro số 1 cần 110 tỷ đồng

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đề xuất chi 110 tỷ đồng để vận hành thử tuyến metro số 1, bao gồm chi phí tiền điện, thuê vận hành trạm biến áp, bảo hiểm phòng cháy và thiết bị ga tàu, lương cho người lao động.

Công ty này muốn tham gia vận hành thử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận bàn giao và vận hành khai thác chính thức, đồng thời đảm bảo tuyến metro số 1 đi vào vận hành đúng tiến độ.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đang tích cực phối hợp tư vấn với các nhà thầu để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác tuyến metro số 1 sớm nhất, dự kiến sẽ đưa vào giai đoạn khai thác miễn phí vé từ tháng 7 đến tháng 10 và khai thác thương mại trong quý 4 năm nay.

metro
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đề xuất chi 110 tỷ đồng để vận hành thử tuyến metro số 1

Cần Thơ xử phạt gần 400 triệu đồng các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cần Thơ đã thanh tra, hậu kiểm gần 6.800 cơ sở, phát hiện 45 cơ sở vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tổng số tiền xử phạt gần 400 triệu đồng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong năm 2024, thành phố Cần Thơ yêu cầu các sở, ban ngành thành phố, UBND quận/huyện tăng cường truyền thông, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, công khai việc xử lý để người tiêu dùng biết không sử dụng các sản phẩm không an toàn.

Sở Y tế thành phố Cần Thơ yêu cầu các đơn vị thường xuyên hậu kiểm về vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi cấp phép hoạt động, tái kiểm tra, giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm, định kỳ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

Dự án bò giống ở Kon Tum: Cấp bò nhỏ như bê con, nhiều hộ dân bức xúc

Dự án hỗ trợ bò giống sinh sản tại xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, Kon Tum gây bức xúc khi người dân phản ánh nhận được những con bò giống nhỏ như bê con, không đủ trọng lượng theo quy định.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có tới 29 hộ dân trong tổng số 62 hộ nhận bò yêu cầu đổi lại vì bò không đảm bảo chất lượng.

UBND xã Ngọk Wang thừa nhận sai sót và cho biết sẽ họp kiểm điểm trách nhiệm tập thể và các cá nhân liên quan. Thanh tra huyện Đăk Hà cũng đã kết luận trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND xã, phó chủ tịch UBND xã, công chức xã và một số cán bộ khác.

Vụ việc trên đã gây dư luận không tốt, ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Do đó, đoàn thanh tra kiến nghị UBND xã tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả kiểm điểm về UBND huyện để xem xét, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền.

Điểm tin sáng 17/4: Đề xuất không áp thuế nước sạch sinh hoạt | Vận hành thử tuyến metro số 1 cần 110 tỷ đồng 3
 
Bình luận