Người Việt tăng chi tiêu cho trải nghiệm và du lịch
Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á 2024 của UOB và Boston Consulting Group cho thấy người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn, với 90% kỳ vọng sẽ có tình hình tài chính ổn định hoặc khá hơn vào tháng 6/2025.
Trong năm qua, người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ba hạng mục hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam đã chi nhiều hơn là giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và các dịch vụ tiện ích (33%).
Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như kỳ nghỉ, ăn uống sang trọng, hòa nhạc và lễ hội so với người tiêu dùng trong khu vực, với 42% người khảo sát ở Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn cho những lĩnh vực này, cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.
Nghiên cứu của UOB cũng cho biết người tiêu dùng Việt vẫn còn hạn chế tham gia bảo hiểm, đặc biệt là đối với bệnh hiểm nghèo, tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Hà Nội dự kiến hỗ trợ cảnh sát hình sự, cảnh sát PCCC 3,6 triệu đồng/người/tháng
Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến để ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ hàng tháng lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc thành phố Hà Nội từ 1,8 triệu đồng đến 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng Cảnh sát hình sự; sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc CATP được giao trong chỉ tiêu biên chế.
Thành phố sẽ dành nguồn ngân sách hỗ trợ hàng tháng với lực lượng cảnh sát hình sự là: 3,6 triệu đồng/người/tháng với sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng Cảnh sát hình sự CATP; hỗ trợ 2,7 triệu đồng/người/tháng với sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng Cảnh sát hình sự công an cấp huyện; hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng với sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng Cảnh sát hình sự công an cấp xã, Đồn Công an.
Thành phố cũng dự kiến hỗ trợ cho sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Yêu cầu 2 bệnh viện liên quan đến phản ánh ‘bát nháo khám sức khỏe’ xác minh, xử lý sai phạm
Bộ Y tế có công văn yêu cầu Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện Giao thông vận tải khẩn trương xác minh thông tin về tình trạng “bát nháo khám sức khỏe” để đi nước ngoài tại hai bệnh viện này.
Theo phản ánh, bệnh nhân khám bệnh không có phiếu thu, đóng tiền vào tài khoản cá nhân.
Bộ Y tế đề nghị giám đốc hai bệnh viện khẩn trương xác minh thông tin, kiểm tra toàn bộ sự việc liên quan và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Hai bệnh viện cần rà soát, kiểm tra hoạt động khám sức khỏe nói chung và khám sức khỏe có yếu tố nước ngoài nói riêng, tăng cường quản lý công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Giám đốc hai bệnh viện chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám và cấp giấy khám sức khỏe, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp và Bộ Y tế tiến độ, kết quả kiểm tra, xác minh trước ngày 18/11/2024.
Các địa phương sẵn sàng ứng phó bão số 7
Bão số 7 (YINXING) với cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương ven biển tập trung ứng phó với mọi tình huống của bão.
Theo dự báo, bão số 7 sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ 15km/giờ và nhiều khả năng sẽ đổ bộ đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Các địa phương cần tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên tinh thần chủ động cao nhất, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động kinh tế.
Các địa phương bị ảnh hưởng của bão chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Huyện Krông Pắc, Đắk Lắk dự kiến thu về 7.500 tỷ đồng từ sầu riêng vào năm 2025
Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 8.100ha sầu riêng, tăng hơn 950ha so với năm 2023. Tổng sản lượng sầu riêng của huyện vẫn đạt hơn 92.000 tấn, tăng hơn 11.800 tấn so với năm trước mặc dù thời tiết năm nay có nhiều biến động, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình ra hoa, đậu quả và nuôi dưỡng quả.
Đến năm 2025, toàn huyện sẽ có 9.600ha sầu riêng, sản lượng hơn 106.000 tấn.
Với mức giá thu mua dự kiến dao động từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, giá trị sản xuất sầu riêng của huyện Krông Pắc trong năm 2025 ước đạt từ 6.400 – 7.500 tỷ đồng.
Nhân viên bảo vệ rừng ở Lâm Đồng bị bắt vì cưa hạ hàng loạt cây trái phép
Phạm Văn Chung, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, cùng 3 người khác bị bắt giữ vì hành vi cưa hạ hàng loạt cây rừng, khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 414, xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Cơ quan chức năng xác định trong quá trình tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, Chung biết ở khu vực khoảnh 7, tiểu khu 414 có nhiều cây kiền kiền cổ thụ, quý hiếm nên đã cấu kết, móc nối với các đối tượng khác lên kế hoạch khai thác gỗ để bán, lấy tiền tiêu xài.
Cơ quan chức năng ghi nhận có 6 cây gỗ rừng bị triệt hạ, trong đó có 5 cây gỗ kiền kiền (thuộc nhóm II) và 1 cây gỗ tạp nằm tại nhiều vị trí thuộc khoảnh 7, tiểu khu 414. Những cây rừng bị triệt hạ có đường kính từ 0,6 – 0,8 m, đặc biệt có 1 cây kiền kiền đường kính gốc hơn 1,3 m và cao gần 30 m, ước tính cả trăm năm tuổi. Tổng số lâm sản bị thiệt hại hơn 25 m3.