TPHCM đề xuất không số hóa hồ sơ chứng thực
UBND TPHCM vừa đề xuất Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp cho phép địa phương không số hóa hồ sơ, tái sử dụng dữ liệu, đồng thời không tính tỷ lệ số hóa hồ sơ, tái sử dụng dữ liệu trên bản đồ thể chế đối với các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực chứng thực.
Lý do mà TPHCM nêu ra xuất phát từ một số khó khăn trong thực tiễn triển khai và sự không thống nhất giữa các quy định. Số liệu báo cáo thống kê trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM tính theo số lượt người yêu cầu, trong khi số liệu báo cáo theo Nghị định số 23/2015 được tính theo số lượng bản sao vào sổ chứng thực.
Số lượng hồ sơ sao y giải quyết hằng năm rất lớn nhưng nhu cầu tái sử dụng kết quả hồ sơ này trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC lại chưa cao nên việc số hóa hồ sơ chứng thực là không cần thiết.
TPHCM cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên VNeID từ ngày 4/11
Từ ngày 4/11, người dân TP.HCM có thể ngồi tại nhà để đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID chỉ với thao tác đơn giản trong vòng 2 - 3 phút.
Phiếu lý lịch tư pháp điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy, có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, người dân không phải mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy.
Để làm thủ tục, người dân cần có tài khoản định danh điện tử mức độ 2, truy cập vào ứng dụng VNeID, vào mục thủ tục hành chính/cấp phiếu lý lịch tư pháp, điền thông tin theo biểu mẫu tờ khai, thanh toán trực tuyến phí cấp phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID và gửi tờ khai yêu cầu cấp phiếu này.
Sau khi nộp tờ khai và nộp phí, thông tin của hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp hợp lệ sẽ gửi về hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM.
Phiếu lý lịch tư pháp điện tử là file PDF có chữ ký số mặc định cùng trả trên cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Nếu người dân có nhu cầu nhận kết quả là bản giấy phiếu lý lịch tư pháp, bộ phận một cửa của Sở Tư pháp trả kết quả trực tiếp, hoặc qua dịch vụ bưu điện.
Dịch vụ thám tử tư 'chui': Biến tướng, loạn giá
Dịch vụ thám tử tư hiện nay chưa được công nhận và cấp phép hoạt động, các công ty thám tử chỉ hoạt động chui, cung - cầu chỉ gặp nhau chủ yếu trên mạng, hợp đồng dựa vào niềm tin. Khi có tranh chấp, khách hàng nắm chắc phần thua.
Giá dịch vụ thám tử nhảy múa loạn xạ, mỗi nơi mỗi kiểu. Cùng một gói dịch vụ giám sát con cái 24/24 giờ, Công ty T.K. (quận Bình Thạnh) báo giá 30 - 45 triệu đồng nhưng Công ty T.A (quận 1) hét 60 triệu đồng không bớt một xu.
Nhiều khách hàng mạnh tay chi tiền nhưng rất mơ hồ về chất lượng dịch vụ thám tử. Họ trao tiền cho thám tử và thắc thỏm ngồi chờ. Đối tác phán sao họ nghe vậy vì không có điều kiện, khả năng kiểm chứng.
Khi nhận được kết quả không như mong muốn, khách hàng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay vì nếu làm lớn chuyện thì "dở người dở ta".
Nhiều lần phát hiện đối tác không giữ lời hứa, khách hàng yêu cầu trả lại tiền. Công ty thám tử lấy lý do khách hàng tự ý bỏ ngang nên "làm gì nhau". Khách hàng dọa kiện, họ thách sẽ theo hầu... tới khuya.
Nếu cần xác minh thông tin về sự việc nào đó thì người dân yêu cầu bên cung cấp dịch vụ ký kết hợp đồng chi tiết, trong đó nêu rõ các quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, cũng như các quy định về bảo mật thông tin và quyền riêng tư.
Hà Nội phấn đấu 100% trường học có phòng y tế riêng
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch liên ngành thực hiện công tác y tế trường học năm học 2024-2025, đặt mục tiêu 100% các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội có phòng y tế riêng, bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị theo quy định.
Kế hoạch cũng phấn đấu 100% các trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác y tế học đường; 100% các trường học tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm.
Kế hoạch còn đặt mục tiêu 100% các trường học thường xuyên theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, phòng chống tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, bệnh tật học đường; 100% các trường hợp mắc tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học được sơ cấp cứu kịp thời.
Kế hoạch cũng yêu cầu 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị.
Google Maps cập nhật tính năng cảnh báo thời tiết
Google Maps vừa cập nhật nhiều tính năng mới giúp hành trình lái xe trở nên mượt mà và tiện lợi hơn.
Google Maps tích hợp thêm nhiều tính năng mới nhằm gia tăng trải nghiệm lái xe.
Maps thêm nút "Add stops" nằm ngay bên cạnh nút "Start" ở cuối màn hình. Khi nhấn vào, người dùng có thể dễ dàng mở bảng "Add stops to your route", để có thể lên kế hoạch dừng chân nhanh chóng hơn.
Một nâng cấp khác sẽ hỗ trợ hiệu quả cho người dùng khi di chuyển qua các khu vực phức tạp với nhiều làn đường, biển báo và lối ra, đó là tính năng điều hướng mới, tính năng này sẽ đánh dấu rõ các làn, lối băng qua đường và biển báo trên bản đồ, giúp người lái xe theo dõi chính xác làn đường phải đi, giảm thiểu tình huống nhập làn đột ngột.
Đồng thời, Google Maps cũng tích hợp tính năng cảnh báo thời tiết nhằm đảm bảo an toàn hơn khi di chuyển vào mùa đông. Người dùng có thể thấy và báo cáo các gián đoạn thời tiết trên lộ trình như khu vực ngập nước, đường chưa dọn tuyết hoặc tầm nhìn hạn chế. Điều này không chỉ giúp cá nhân người dùng chuẩn bị tốt mà còn chia sẻ thông tin quan trọng cho cộng đồng lái xe.
Khi đến điểm cuối, tính năng "arrival guidance" sẽ cung cấp thông tin về lối vào của các tòa nhà và các bãi đỗ xe gần đó, đồng thời cho phép người dùng "Save parking".
Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng "AR Live View" để nhận chỉ dẫn đi bộ từ nơi đỗ xe đến lối vào chính của tòa nhà.
Cảnh báo 2 hình thức lừa đảo phổ biến qua điện thoại trong tuần qua
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) cảnh báo về 2 hình thức lừa đảo phổ biến qua điện thoại trong tuần qua.
Hình thức thứ nhất là mạo danh nhân viên Công ty Điện lực để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện cho người dân, yêu cầu cài đặt ứng dụng điện lực để thanh toán tiền điện và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Hình thức thứ hai là gọi điện thông báo nợ tiền cước viễn thông. Các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào một số tài khoản nhất định để thanh toán số tiền nợ, sau đó chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
VNCERT/CC khuyến cáo người dân không chuyển khoản cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên nhà mạng để thanh toán tiền cước hàng tháng; tuyệt đối cảnh giác đối với thông tin do những người lạ cung cấp qua gọi điện, chat, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng lừa đảo.