Điện Biên Phủ - chiến thắng của nghệ thuật quân sự Việt Nam

(VOH) - Hôm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 63 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2017). Trong kí ức của mỗi người dân Việt Nam cũng như hàng triệu con tim của các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới vẫn còn ghi nhớ ngày này cách đây 63 năm, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã mở những đợt tấn công cuối cùng vào sào huyệt của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Nghe bài viết

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - cứ điểm mạnh nhất trên chiến trường Đông Dương, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Geneve về Đông Dương năm 1954. Chiến thắng quan trọng này cũng đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta.

Hình ảnh lá cờ chiến thắng trên trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cuối tháng 11/1953, lòng chảo Điện Biên đã ngập tràn các sắc lính của quân đội Pháp. Bộ chỉ huy Pháp đã tập trung tại đây 10 tiểu đoàn bộ binh và lính dù cùng nhiều đơn vị pháo binh, công binh, thiết giáp và không quân, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh với tham vọng tiến hành một trận quyết chiến với chủ lực đối phương nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho Pháp. Về phía ta, Bộ Chính trị nhìn nhận trận Điện Biên Phủ như cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt kháng chiến trường kỳ, và đã chấp nhận thách thức của quân Pháp để tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây chính là trận quyết chiến chiến lược của cả hai bên.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, về phía ta, tuy có quân số đông đảo hơn nhiều đối phương nhưng chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Và đặc biệt khó khăn lớn nhất của quân ta là khâu tiếp tế hậu cần. Phía Pháp cho rằng các khó khăn đó của ta là không thể khắc phục nổi nhất là khi mùa mưa đến. Do đó, để có một lực lượng mạnh cho chiến dịch Điện Biên Phủ, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã huy động tối đa về sức người và sức của. Hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Chính phủ đã huy động dân công từ vùng do Việt Minh kiểm soát đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động tới hàng chục vạn người và được tổ chức biên chế như quân đội. Riêng đội xe đạp thồ đã lên trên 20.000 người, mỗi xe chở được 200-300kg. Đây là việc ngoài tầm dự tính của các cấp chỉ huy Pháp vì họ cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy được.

Đại tá Trần Thế Đề - nguyên Chính trị viên Đại đội 16, Đại đoàn 306 trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: "Hậu cần là một vấn đề khó khăn có thể nói là bậc nhất trong đảm bảo cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi có một người bạn là dân công thồ. Anh nói nếu không có dân công thồ hàng bằng xe thì không biết bộ đội ở Điện Biên Phủ có gì để ăn không. Đó là vì người dân công đi từ hậu phương lên đến nơi, đem được 1 cân gạo thì ăn hết 20 cân rồi. Nhờ có xe thồ mà lượng gạo mang đi được gấp 10 lần so với cách gánh. Vì vậy, xe thồ có thể nói là một sáng tạo rất lớn của chúng ta để đảm bảo cho chiến thắng Điện Biên Phủ".

Chiến thắng Điện Biên Phủ có đóng góp không nhỏ của lực lượng dân công hỏa tuyến. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, Pháp cũng đã đánh giá sai khả năng pháo binh của Việt Minh khi cho rằng đối phương vốn không có xe cơ giới tốt nên không thể mang pháo lớn vào Điện Biên Phủ, mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo 75 mm trợ chiến mà thôi. Tuy vậy, ta đã khôn khéo tháo rời các khẩu pháo rồi dùng sức người để kéo, sau khi đến đích thì ráp lại. Bằng cách đó, quân ta đã đưa được lựu pháo 105 mm lên các hầm pháo khoét sâu vào các sườn núi từ trên cao, có khả năng khống chế rất tốt lòng chảo.

Thế nhưng, điều khiến quân Pháp bất ngờ nhất không chỉ dừng lại ở đó. Ngày 14/1/1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy mặt trận phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh thắng nhanh” và ngày nổ súng dự định là 20/1. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu. Thế nhưng, đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và quyết định phải cho lui quân. Đại tướng cho rằng phương án “đánh nhanh thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy trưởng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trung tướng Lê Nam Phong – nguyên Đại đội trưởng Đại đội 225, Đại đoàn 308 trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhận định về sự thay đổi mang tính quyết định này: "Khi được phổ biến đánh nhanh thắng nhanh thì chúng tôi là hướng chủ yếu, nhưng nhận xét tình hình lúc đó thì Điện Biên Phủ đã trở thành cụm cứ điểm rồi, quân Pháp lúc đó là 24 tiểu đoàn, có pháo, xe tăng, không quân chi viện. Đánh nhanh thắng nhanh sẽ không làm được, mà đánh chắc tiến chắc là một phương châm sáng suốt. Chúng tôi cho đó là sự chuẩn bị, suy nghĩ, hạ quyết tâm để giải phóng Điện Biên. Và nghĩ ra cách đánh “vây, lấn, tấn, diệt”, cho bộ đội sẵn sàng kéo pháo ra và chuẩn bị kỹ lưỡng thì lúc đó mới nổ súng".

Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo được kéo ra. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần, diễn ra trong mùa mưa và phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi rồi kéo lại vào các vị trí mới. Nhưng chúng ta đã quyết tâm thực hiện và thực hiện được với một nỗ lực rất lớn.

Đại tá Hoàng Thương – nguyên Đại đội phó Đại đội 91, Đại đoàn 304 trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: "Quá trình kéo pháo vào là 7 đêm 8 ngày, kéo pháo ra cũng dài hơn, mà khi kéo pháo ra lại qua rất nhiều đèo dốc khác với khi kéo pháo vào. Hơn nữa khi kéo vào thì chúng ta còn có điều kiện kéo vào được nhưng kéo ra thì lộ bí mật rồi. Mà thật ra trong kéo pháo không có hò dô ta đâu, thực chất việc này rất bí mật, chỉ gõ mõ, cầm cờ phất để anh em kéo thôi. Không chỉ có pháo binh mà cả bộ binh cũng vào hỗ trợ. Quá trình đó rất gian khổ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thành công ra đến nơi".

Trận đánh diễn ra trong 56 ngày đêm, chia thành 3 đợt tiến công. Sau mỗi đợt lại tổ chức lại quân số, bổ sung hậu cần. Nhờ đánh dài ngày và chia làm những giai đoạn nhỏ với những mục tiêu cụ thể, ta có thời gian chuẩn bị, rút kinh nghiệm và đưa ra những phương án cho phù hợp với tình hình trận chiến. Trong đợt 2 từ 30/3 -30/4, Việt Minh đánh phân khu trung tâm đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm, khống chế cánh đồng Mường Thanh. Tại đây hai bên đánh nhau giành đi giật lại các mỏm đồi có tính sống còn đối với tập đoàn cứ điểm, đặc biệt là các đồi A1, C1, D1, thương vong của hai bên rất lớn.

“Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” là phương pháp chiến thuật do bộ đội ta sáng tạo ra trong quá trình đánh địch ở Điện Biên Phủ, có ý nghĩa chiến dịch, được vận dụng để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tức là bao vây, đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận địch từ ngoại vi vào trung tâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trải qua quá trình chiến đấu liên tục, dài ngày, ta đã lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây, vận dụng chiến thuật đánh lấn, cắt sân bay, triệt đường tiếp tế hàng không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm ngày càng cô lập, bị bóp nghẹt. Đặc biệt, để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ trên đồi A1 có vị trí quyết định, bộ đội công binh Việt Nam đã đào một hầm ngầm phía dưới và cho nổ 1 tấn thuốc nổ hất tung hệ thống hầm ngầm cố thủ cuối cùng. Đến sáng 7/5, các quả đồi phía đông này đã thất thủ hoàn toàn mà phía Pháp không còn lực lượng khả dĩ chiếm lại, quân ta tổng tiến công trên khắp các mặt trận, quân Pháp đã sức tàn lực kiệt quyết định đầu hàng, Thiếu tướng chỉ huy Christian de Castries và toàn Ban tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Cụm phân khu Nam Hồng Cúm mưu toan chạy sang Lào nhưng bị quân ta đuổi theo và bắt lại.

Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. PGS TS Hà Minh Hồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử TPHCM, phân tích: "Kháng chiến toàn dân, toàn diện là chiến lược chúng ta đã đề ra ngay từ đầu, và cho đến những ngày đông xuân 1953 – 1954 mà tiêu biểu nhất là ở Điện Biên Phủ. Cả một dân tộc ra trận, cả vùng đồng bằng, vùng Tây Bắc, các tỉnh xung quanh và cả chiến trường xa như Nam bộ cũng đã phối hợp, góp sức vào cho thắng lợi quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cho nên đây là thắng lợi của cả dân tộc".

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó then chốt là biết lựa chọn cách đánh, thời điểm đánh và biết vận dụng, nâng tầm chiến thuật lên thành nghệ thuật quân sự độc đáo mà trước đó chưa từng có trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta.  Lấy Điện Biên Phủ là tấm gương, là kim chỉ nam, nhiều quốc gia đã vận dụng thành công nghệ thuật quân sự độc đáo này trong cuộc kháng chiến của nước mình. Đến nay trong thời kỳ đổi mới, đi lên, những kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ đất nước, bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc.

Bình luận