Chờ...

Diệt muỗi, lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết và Zika

(VOH) - Năm 2016, công tác phòng chống dịch được xem là khá đặc biệt khi TPHCM xuất hiện dịch bệnh Zika, cho đến cuối năm, trên địa bàn có gần 200 bệnh nhân nhiễm vi rút Zika được phát hiện tại 30 điểm giám sát. Với sự nguy hiểm có thể dẫn đến tật đầu nhỏ ở thai nhi, được sự quan tâm chỉ đạo rất sâu sát, kịp thời của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP, ngành y tế đã quản lý, theo dõi và kiểm soát tình hình dịch bệnh Zika, không để ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.

Nhìn lại công tác phòng chống dịch trong năm vừa qua, VOH có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bìa trái), bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBNDTP thả cá bảy màu diệt lăng quăng tại hộ gia đình khu phố 4 - thị trấn Tân Túc - Huyện Bình Chánh.  (Ảnh: Nhất Hương)

VOH: Nhìn lại năm qua, ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch trên địa bàn?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Năm 2016 là năm đến chu kì sốt xuất huyết nên những tuần đầu năm 2016 tình hình về số ca sốt xuất huyết rất cao thậm chí vào những tháng đầu mùa mưa như tháng 4, tháng 5 số ca mắc so với cùng kì 2015 tăng gần gấp đôi.

Về dịch bệnh tay chân miệng một trong những dịch bệnh đang lưu hành tại TPHCM năm 2016 giảm tương đối nhiều do chúng ta triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh như tuyên truyền rửa tay trước, sau khi đi vệ sinh, triển khai biện pháp tay chân miệng trong trường học khá hiệu quả. Điểm nữa trong năm qua là ca bệnh Zika lần đầu phát hiện tại TPHCM vào tháng 4/2016 cho đến nay số ca Zika gần 200 ca.

Đó là một số nét chính tình hình dịch bệnh, trước tình hình đó, ngành y tế đã phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện triển khai các hoạt động phòng chống dịch, tập trung vào phòng chống sốt xuất huyết và Zika.

Tính đến cuối năm 2016, số ca sốt xuất huyết giảm dần và cho đến nay, chỉ tương đương với cùng kì 2015. Mặc dù như chúng tôi nói sốt xuất huyết năm 2016 là chu kì, cũng xuất hiện ở nhiều địa phương khác, thứ hai là nhờ những biện pháp, trong đó tổng vệ sinh diệt muỗi, diệt lăng quăng mà chúng tôi đã triển khai nhiều đợt, đã cơ bản khống chế được các trường hợp mắc Zika dù hiện nay bệnh này được xem là bệnh lưu hành nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai.

VOH: Năm 2016 là năm khá là khác biệt khi ngành y tế giữ vai trò chủ lực trong phối hợp với các ban ngành trong chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Zika. Cho đến nay hiệu quả phòng chống dịch ông đánh giá như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Tôi muốn nói điều này bà con Thành phố cũng quan tâm, đối với sốt xuất huyết và zika cùng một tác nhân gây bệnh là muỗi vằn, thì đối với sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây tử vong, Zika dù biểu hiện nhẹ, mắc thoáng qua có thể khỏi nhưng nguy cơ dẫn đến tật đầu nhỏ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các cháu sau này nên việc tập trung phòng chống hết sức quan trọng. Và biện pháp hiệu quả có thể khống chế được sốt xuất huyết và Zika là diệt muỗi, diệt lăng quăng.

VOH: Thực tế qua kiểm tra giám sát tình hình thì ông thấy người dân đã có ý thức trong vấn đề phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika như thế nào và ngành y tế có khuyến nghị gì cho cộng đồng để có thể chủ động phòng chống dịch bệnh này trong thời gian tới?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Thực tế giám sát tại các địa phương vẫn còn xuất hiện lăng quăng trong nhà, xung quanh nhà. Theo tôi chúng ta diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt tốt hơn trước đây nhưng cũng còn một số nơi chưa quan tâm lắm đến phòng chống dịch bệnh. Nên tôi đề nghị người dân nên tăng cường hơn nữa, kiểm tra, những vật dụng xung quanh nhà, những vật chứa nước để diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt, đặc biệt đối tượng hết sức quan tâm là phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang có thai.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, quận, huyện tiến hành xử phạt những hộ gia đình sau khi kiểm tra nhắc nhở cam kết nhưng vẫn còn lăng quăng khi tái kiểm sẽ bị xử phạt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử phạt này trong năm 2016, chúng ta tiến hành đồng loạt các giải pháp để làm sao có môi trường an toàn, không dịch bệnh.