Điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin cho thị trường

(VOH) - Chiều ngày 28/12, tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, 16 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã phát biểu tham luận.

Các ý kiến đa phần nhất trí cao với nội dung, giải pháp nêu trong các báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã đề xuất Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, ứng phó biến đối khí hậu; thực hiện chính sách dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương.

Kinh tế TPHCM tăng trưởng khá

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong báo cáo một số kết quả kinh tế đã đạt được trong năm 2016. Theo đó, kinh tế thành phố đã có sự tăng trưởng khá. Đóng góp chính vào tăng trưởng của thành phố là 9 ngành dịch vụ chủ yếu. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, điển hình là du lịch. 

Hiện nay, du lịch của thành phố chiếm gần 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thành phố đang tiến hành quy hoạch phát triển ngành du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030, bắt đầu tập trung thực hiện từ năm 2017. Thành phố cũng đang hoàn chỉnh Đề án xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

Bên cạnh đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố bao gồm: cơ khí chế tạo; điện tử- công nghệ thông tin; hóa chất- nhựa- cao su và chế biến tinh lương thực- thực phẩm cũng đang từng bước chuyển dịch mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Đặc biệt, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Điều này đã góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho 36.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016, tăng 12,7% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký và bổ sung tăng 35,8%.

Từ năm 2017, thành phố sẽ tập trung nâng cao hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ đã ban hành, quyết tâm đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, trong đó năm 2017 phát triển mới 50.000 doanh nghiệp, đây sẽ là nguồn lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách 2017, thành phố hoàn toàn nhất trí với các nhiệm vụ và nhóm giải pháp được nêu tại Nghị quyết của Chính phủ. Riêng thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu. Cụ thể, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế trong năm 2017, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khắc phục hiệu quả các vấn đề nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm như: tình trạng úng ngập, vệ sinh an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, thành phố kiến nghị Chính phủ một số nội dung như: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN, nghiên cứu xây dựng các hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ tích cực cho các ngành hàng non trẻ trong nước trước thách thức hội nhập; ưu tiên vốn ngân sách, vốn ODA xây dựng các công trình giao thông trọng điểm; chính sách phát triển vùng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi họp trực tuyến ngày 28/12

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong, cho biết: "Thành phố đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương nghiên cứu hoàn thành, xây dựng đề án về cơ chế chính sách đột phá để thành phố phát triển nhanh toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020. Đồng thời, sớm hoàn tất Nghị định của Chính phủ về phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân thành phố trên một số lĩnh vực để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2017".

Các địa phương cần học tập kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu mà chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm 2016 và kế hoạch cho năm 2017 là khá toàn diện.

"Năm nay các đồng chí cũng thực hiện tốt với tinh thần năng động, quyết liệt. Chúng tôi đánh giá cao hợp tác của thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Nam, đánh giá cao sự phát triển doanh nghiệp của thành phố. Nhân đây tôi cũng mong muốn các địa phương nghiên cứu để phát triển doanh nghiệp, có rất nhiều tiềm năng nhưng chúng ta chưa tạo điều kiện, nhất là 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Phải có cơ chế, chính sách minh bạch cụ thể như thế nào, tại sao thành phố Hồ Chí Minh lại có thể phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ như vậy", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhất trí với kết quả đạt được năm 2016. Trong năm 2017 bên cạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thi đua đẩy mạnh sản xuất, cần nâng cao nguồn lực để phát triển bền vững, để huy động nguồn lực rất lớn trong nhân dân hiện nay vào phát triển kinh tế-xã hội, triệt để tiết kiệm, quan tâm đào tạo, sử dụng nguồn lực con người cho phát triển.

"Ngoài những điều nổi bật thì tôi cũng nhấn mạnh thêm đó là đẩy mạnh xây dựng thể chế, cụ thể hóa các luật. Đây có thể nói là điểm yếu mà nhiều nhiệm kỳ Chính phủ đã bị Quốc hội phê bình, nhưng năm nay các đồng chí đã thực hiện tốt và quyết tâm cao hơn. Thứ hai, đã rất quan tâm và khuyến khích sự phát triển doanh nghiệp, tạo được không khí, niềm tin trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam", Phó Chủ Tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá.

Trong phiên họp sáng ngày 29/12, thành viên Chính phủ tiếp tục thảo luận và giải đáp kiến nghị của các địa phương.