Định hình một đô thị lớn

(VOH) - Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, TPHCM đã có bước đột phá trong công tác quy hoạch đô thị với những công trình giao thông, kiến trúc hiện đại. Nhiều công trình đô thị quy mô lớn đã tác động tích cực, đưa thành phố vào hàng các đô thị năng động bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” về xây dựng cũng đã để lại cho TP một số hệ lụy, phá vỡ quy hoạch chung và cảnh quan đô thị.

Trải qua 40 năm xây dựng phát triển, đô thị thành phố đang ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng giống như các thành phố khác trong khu vực, TPHCM đang đối mặt với các vấn đề kinh tế - xã hội, lẫn quản lý, chính sách mang đặc điểm vùng đô thị lớn có quy mô hơn 10 triệu dân.   

TPHCM hội nhập và phát triển. Ảnh: Minh Tân/nguoidothi   

Trong những năm qua, ngành giao thông vận tải thành phố có nhiều đóng góp, ghi dấu ấn quan trọng trong từng bước phát triển. Từ việc khắc phục khó khăn, thiếu thốn sau chiến tranh để khôi phục, duy trì hoạt động giao thông vận tải thông suốt và an toàn, đến đầu tư xây mới nhiều công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị quan trọng mang tính chiến lược, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong giai đoạn đổi mới, ngành giao thông vận tải thành phố đã chủ động đổi mới tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và TPHCM về xây dựng hệ thống kết cấu đồng bộ, mạnh dạn đột phá áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.

"TPHCM là đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc thí điểm chính quyền đô thị, tập trung có trọng điểm xây dựng các đô thị văn minh hiện đại xứng tầm với khu vực", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá.

Đặc biệt, thành phố cũng đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp hay, cơ chế thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách hiệu quả để phát triển giao thông như BT, BOT, BOO, PPP. Bằng những giải pháp nêu trên, thành phố đã huy động hàng chục ngàn tỷ đồng để xây mới hàng trăm cây cầu cùng nhiều công trình trọng điểm như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hầm vượt sông Sài Gòn, các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây… cùng hàng loạt công trình, dự án cải thiện môi trường quan trọng như nạo vét Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.

Cảng Hiệp Phước. Ảnh: Minh Hà/nguoidothi

Không chỉ đường bộ, các tuyến đường thủy cũng được thành phố chú trọng phát triển, nhằm tăng cường tính kết nối với các vùng miền trong nước cũng như với thế giới, trong số đó phải kể đến cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái, khai thông luồng Soài Rạp đón những tàu có trọng tải lớn chuyên chở hàng hóa vào TPHCM và từ thành phố tỏa đi các nơi trên thế giới. Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho hay: "Việc khai thác cảng Tân Cảng Hiệp Phước sẽ giúp cho nhu cầu xuất khẩu hàng hóa trong khu vực cũng như góp phần làm giảm ùn ứ hàng hóa trong dịp cao điểm".

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, luồng Soài Rạp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, phát triển dịch vụ cảng biển, Logistics, phù hợp với chủ trương phát triển về phía Nam, tiến ra biển, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước. Mặt khác, việc tàu có trọng tải lớn có thể lấy hàng tại cảng Hiệp Phước sẽ tạo điều kiện di dời các cảng sông Sài Gòn ra khỏi nội thành được nhanh hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hướng ra biển Đông của thành phố, vùng đồng bằng Nam bộ, Tây Nguyên đã được Thủ tướng phê duyệt.

Với khả năng đón tàu vận tải trên 50.000 tấn, luồng tàu biển Soài Rạp có vai trò quan trọng không chỉ với TPHCM mà còn cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa: chinhphu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng khẳng định, TPHCM là một trong những trung tâm hàng hải lớn của Việt Nam, do vậy cần thiết phải mau chóng đầu tư cảng biển để phát huy thế mạnh của thành phố đối với vùng Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, dự án nạo vét luồng Soài Rạp còn mang ý nghĩa về quốc phòng.

Để phát huy thế mạnh kinh tế biển, thành phố đang triển khai dự án phức hợp Khu công nghiệp, đô thị Cảng Hiệp Phước (quy hoạch 2.000ha). Trong tương lai, đây sẽ là khu công nghiệp-khu đô thị lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh nằm bên sông Soài Rạp - luồng tàu rộng nhất và ngắn nhất phía Nam có thể đón tàu có tải trọng từ 50.000-70.000 tấn từ Biển Đông vào hệ thống cụm cảng khu công nghiệp Hiệp Phước; từ đó qua sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn xuôi về đồng bằng sông Cửu Long hoặc ngược lên thượng nguồn qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai tiếp cận với vùng công nghiệp miền Đông Nam Bộ, rút ngắn cự ly và thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí và tăng cường trao đổi hàng hóa giữa các vùng.

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP cho biết, 40 năm qua, thành phố đã từng bước hình thành được hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Môi trường, kiến trúc cảnh quan đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn những nét đặc sắc riêng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP vừa qua cũng khẳng định: Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Ông Lê Hoàng Quân cho rằng: "TPHCM đã, đang và tập trung chỉ đạo và có những giải pháp huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng, hạn chế tác hại biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tổ chức lại đời sống dân cư, đồng thời với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại".

Dù đạt được được những thành tựu to lớn trong phát triển đô thị, tuy nhiên trong quá trình phát triển, TPHCM vẫn tồn tại nhiều hạn chế, quy hoạch chưa khả thi, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước vẫn đang là nỗi trăn trở của chính quyền và nhân dân thành phố.