Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch ngành quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành lĩnh vực quản lý phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo mô hình "mạng lưới" trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Quan điểm hàng đầu của Quy hoạch là phát triển đô thị trở thành động lực, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững đô thị.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%.
Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 70% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó 35% số huyện được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 100% huyện có đô thị.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị Việt Nam có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.
Khu vực nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, xây dựng Quy hoạch đô thị, nông thôn là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên được triển khai.
Bộ Xây dựng phải làm rõ các cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và mối quan hệ của Quy hoạch đô thị, nông thôn với các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh; rà soát, đánh giá tác động của phương pháp lập Quy hoạch đô thị, nông thôn đối với các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt; công tác quản lý, sử dụng các sản phẩm của Quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong Quy hoạch cũng cần xác định rõ vai trò, vị trí, phạm vi của khu vực nông thôn đối với quá trình đô thị hoá; đồng thời giao Bộ Xây dựng tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê quyệt.