Chờ...

Đồ uống có đường bị đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt, vì sao?

(VOH) - Ngày 23/3, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá do Bộ Y tế tổ chức.

Theo các chuyên gia y tế, đồ uống có đường liên quan đến nhiều bệnh tật không lây nhiễm hiện nay, như thừa cân béo phì, sâu răng, đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa, một số bệnh ung thư.

Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. 

Đồ uống có đường bị đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt, vì sao? 1
Mức tăng trưởng tiêu dùng các loại nước uống có đường tại Việt Nam rất cao - Ảnh minh họa: Getty Image/Stock photo 

WHO cũng khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại đến sức khỏe.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

Một thập kỷ qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các loại nước uống này tại Việt Nam rất cao, Bộ Y tế dự báo tăng trưởng dương 3-5% trong 5 năm nữa.

Đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước hoa quả lên men (cider) mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, được trẻ vị thành niên và nữ giới ưa thích. Các thức uống này tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và áp dụng với các giải pháp khác như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị xây dựng danh mục thực phẩm lành mạnh để trẻ em không bị lôi cuốn theo thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.

Trước đó, cuối tháng 2, các doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát xin hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này và không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Lý do là vừa bước qua giai đoạn khó khăn bởi Covid-19, cần thời gian phục hồi sản xuất, và không có định nghĩa "đồ uống có đường".