Doanh nghiệp lớn muốn góp sức làm đường sắt cao tốc

VOH - Ngày 31/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc tọa đàm toàn quốc với hơn 1.000 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Mục tiêu là triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Tại sự kiện, nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn như FPT, CMC, Hòa Phát đã thể hiện khát vọng được tham gia vào các công trình hạ tầng quốc gia, đặc biệt là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch CMC – cho rằng các doanh nghiệp lớn trong nước như Vingroup, Thaco, Hòa Phát, FPT… hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các dự án hạ tầng tầm cỡ, kể cả đường sắt cao tốc, nếu được tạo điều kiện hợp tác liên doanh. Ông đề xuất Chính phủ mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp nội địa, thay vì chỉ chọn nhà thầu nước ngoài.

Pham Minh Chinh 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trao đổi, trả lời nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Chung quan điểm, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT – cho rằng đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải ngồi lại để cùng vạch ra chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2030. Theo ông, các “trận đánh lớn” như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, trung tâm tài chính quốc tế hay công nghệ cao… đều cần sự đồng lòng từ chính quyền đến doanh nghiệp. “Được Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng, chúng tôi cam kết chiến đấu và cống hiến hết mình cho đất nước,” ông Bình khẳng định.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát – đánh giá cao Nghị quyết 68, cho rằng đây là bước đột phá đúng thời điểm, tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân. Ông Long đề nghị các nghị định, thông tư hướng dẫn cần cụ thể và rõ ràng hơn, đặc biệt trong chính sách đặt hàng công. Ông đề xuất tất cả các dự án đầu tư công, như đường sắt hay cao tốc, phải quy định rõ tỉ lệ sử dụng hàng hóa, vật tư do doanh nghiệp trong nước sản xuất, tối thiểu là 70%. “Đây là điều kiện kiên quyết để bảo vệ và phát triển năng lực sản xuất nội địa,” ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, văn bản pháp lý cần tránh diễn đạt mơ hồ kiểu “ưu tiên hàng trong nước” mà phải quy định cụ thể “phải sử dụng hàng sản xuất trong nước nếu đáp ứng được yêu cầu.”

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với quan điểm cần thay đổi cách tiếp cận trong chọn nhà đầu tư. Theo ông, không nên “trói tay” nhà đầu tư bằng điều kiện kinh nghiệm hành chính cứng nhắc. “Nhà đầu tư có vốn thì có quyền đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào. Còn việc họ thuê ai quản lý, thuê ai thi công là quyền của họ,” Thủ tướng nói.

Ông ví dụ: “Như đầu tư casino, có thể quy định vốn 2 tỷ USD nhưng không nên yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm điều hành casino trước đó.” Quan điểm này, theo Thủ tướng, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong đầu tư và phát triển.

Tọa đàm khép lại với thông điệp: Chính phủ cam kết tiếp tục đồng hành, cải cách và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân bứt phá, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Bình luận