Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao đường dây nóng của Thành Ủy TP

(VOH) - Sáng 16/3, Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM tổ chức gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và các nhà đầu tư nước ngoài với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”.

 Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Hội nghị thu hút 21 hiệp hội doanh nghiệp và hơn 200 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP đến dự.

Với tinh thần “Lắng nghe và đổi mới”, lãnh đạo TP đã nghe những ý kiến của các DN nước ngoài đang đầu tư tại TPHCM. Một trong những vấn đề mà DN nước ngoài quan tâm và đánh giá cao là đường dây nóng để tiếp nhận các phản ảnh của người dân và DN.

Ông Võ Văn Huệ, đại diện cho Hiệp hội DN Châu Âu tại TPHCM (Eu Cham) cho biết nhiều DN Châu Âu đánh giá việc lập đường dây nóng đã tạo tiếng vang trong người dân và cộng đồng DN. Từ đó, sở, ngành khác đã lập đường dây nóng. Các DN Châu Âu cũng đã gọi điện đến những đường dây nóng này để phản ánh bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc tại TPHCM, ông Han Dong Hy cho biết sẽ thông báo đến tất cả các DN Hàn Quốc điện thoại đến đường dây nóng khi cần thiết.

Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo TP và các nhà đầu tư nước ngoài năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”.

Nhiều DN cùng phản ánh về những bất cập trong thủ tục hành chính, Hải quan, thuế, hạ tầng giao thông đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nước ngoài. Nhiều thông tư, văn bản dưới luật đã tạo ra cơ chế xin-cho, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Thống kê của Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, tính lũy kế từ năm 1988 đến cuối năm 2015, TPHCM có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng nguồn vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,02 tỷ USD. Trong năm 2015 TP đã thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,28% so với năm 2014, chiếm 19,8% của các nước. Trong đó Singapo là nước có vốn đầu tư vào TPHCM lớn nhất, chiếm tỷ trọng 22,36% (8,7 tỷ USD), Malaysia đứng thứ hai với tỷ trọng 14,98% (5,8ty3 USD) và British Virgin Islands thứ ba chiếm tỷ trọng 11,03% (4,2 tỷ USD).

Phân theo lĩnh vực thì bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất với 14,01 tỷ USD, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xếp thứ hai với 12,51 tỷ USD, Giáo dục đào tạo đạt 3,72 tỷ USD…