Doanh nghiệp Trung Quốc muốn hợp tác về hạ tầng, làm đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam

HÀ NỘI - Chiều 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Tọa đàm là sự kiện mang tính kết nối và củng cố mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia; hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao của hai Đảng, các thỏa thuận giữa hai nước; thúc đẩy mạnh mẽ trụ cột quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cho biết, với kinh nghiệm, năng lực đã được khẳng định, các doanh nghiệp mong muốn tham gia các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam như các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam của Việt Nam.

Hợp tác trong xây dựng thành phố thông minh, sản xuất thông minh, xây dựng các trung tâm dữ liệu, phát triển thương mại điện tử…, cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững.

Các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực Trung Quốc có kinh nghiệm, tiềm lực và Việt Nam có nhu cầu.

Hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, khoa học công nghệ, khoa học quản lý trong phát triển hạ tầng, trong đó có các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; tài trợ vốn và kết nối trong thanh toán; phát triển mạng 5G, cơ sở hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo, kết nối hệ thống thương mại hai nước; hợp tác phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, Hydrogen…

img1185-17288219219541866581634
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc - Ảnh: VGP

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hai Thủ tướng đã có buổi hội đàm toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, đạt nhiều kết quả tích cực và chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, trong đó có kết nối chuỗi cung ứng, đường sắt, hợp tác thương mại, đầu tư, thanh toán xuyên biên giới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc - là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thời gian qua quan hệ hợp tác hai nước phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế chưa tương xứng với tầm vóc của quan hệ chính trị-xã hội tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối hai nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm là kết nối doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cho biết Nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện thể chế, hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực và ủng hộ doanh nghiệp hai nước hợp tác hoạt động công khai, minh bạch, bình đẳng.

Đề nghị các doanh nghiệp tích cực, chủ động kết nối, hỗ trợ nhau trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp."

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa xứng tầm với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đặc biệt là vai trò, vị thế và quy mô của các doanh nghiệp Trung Quốc.

img1200-17288219833221411740011
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc - Ảnh: VGP

Thông tin về chiến lược, kết quả tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam sau 40 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, để thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," Chính phủ Việt Nam cam kết “3 bảo đảm," “3 thông”và “3 cùng."

Trong đó “3 bảo đảm” gồm bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, ổn định, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.

Bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định về chính sách, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, nâng cao năng lực quản trị, thể chế, bảo đảm “3 thông”: hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh.

Đặc biệt, thực hiện “3 cùng” gồm: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhanh và bền vững; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp hai nước tiếp tục đóng góp để hai nước đã gắn bó rồi thì gắn bó hơn, đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn, đã tin cậy rồi thì tin cậy hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa, cùng thúc đẩy tăng trưởng, ủng hộ hai Chính phủ thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, trao đổi để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hai nước để tháo gỡ rào cản sản xuất, kinh doanh, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách...

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, kết nối chiến lược trên các lĩnh vực, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông; đẩy mạnh hợp tác triển khai các dự án đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại; tăng cường hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi số,…

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường bày tỏ tâm đắc với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính; nhất trí về sự ủng hộ hai Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Lý Cường cho biết, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm nhấn của hợp tác Trung Quốc - Việt Nam, cũng là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước, Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, thương mại hai nước vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, nhiều tiềm năng để phát triển.

Giai đoạn tới, hai nước cần quan tâm 3 phương trọng điểm, trong đó cần tiếp tục kết nối chiến lược phát triển hai nước.

Theo Thủ tướng Trung Quốc, hai nước có quan điểm phát triển như nhau, lợi ích chung rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên, cần quan tâm kết nối liên thông hai nước.

Hiện hai nước đang tích cực triển khai quy hoạch kết nối sáng kiến BRI, Hai hành lang, một vành đai kinh tế; tích cực kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cửa khẩu, bến cảng, đường hàng không; thúc đẩy đi lại, giao lưu nhân dân; tăng cường hợp tác điều phối chính sách phát triển công nghiệp.

img1207-1728822051579534587596
Thủ tướng Trung Quốc đề nghị hai bên tiếp tục quan tâm các phương diện trọng điểm trong hợp tác kinh tế - Ảnh: VGP

Thủ tướng Lý Cường cũng đề nghị hai bên không ngừng củng cố, bổ sung thế mạnh cho nhau. Mỗi bên đều có thế mạnh đặc biệt của mình về tài nguyên, kết cấu ngành nghề, có nhu cầu bổ sung cho nhau lâu dài; hai bên đã triển khai mạnh mẽ hợp tác kỹ thuật, công nghệ; phối hợp phân công, thúc đẩy, cùng nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Trung Quốc có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, xe điện đang phát triển hàng đầu thế giới, phù hợp nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Việc hợp tác cùng có lợi sẽ xuất hiện trong các lĩnh vực này," Thủ tướng Lý Cường chia sẻ.

Khẳng định hai nước có độ tin cậy chính trị cao và niềm tin vào hợp tác tương lai, ông kêu gọi doanh nghiệp hai bên cần nắm chặt cơ hội, tăng cường hợp tác chặt chẽ, đóng góp cho sự phát triển chung.

Thủ tướng Lý Cường nêu 3 mong muốn không ngừng quan tâm các chính sách quan trọng lớn, chủ động hơn để hòa nhập sự phát triển quốc gia, các kết nối chiến lược; tận dụng tốt các thỏa thuận song phương và đa phương; huy động các nguồn lực cho phát triển. Thúc đẩy phát triển hài hòa các ngành nghề công nghiệp xuất phát từ đặc điểm của doanh nghiệp mình; tìm kiếm các đối tác hợp tác trong chuỗi giá trị.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng xuyên biên giới; tập trung sức lực, nâng cao sức sáng tạo, tập trung phát triển lĩnh vực năng lượng sạch. Thủ tướng Lý Cường tin rằng, hợp tác kinh tế, thương mại hai nước sẽ giành được kết quả to lớn hơn trong thời gian tới.

Bình luận