Đổi mới giáo dục phải bám sát thực tiễn

(VOH) - Sáng nay (14/4), Phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đây là phiên họp quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu cho ý kiến về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có báo cáo tổng kết, đánh giá cả định tính và định lượng đối với Nghị quyết số 40 của Quốc hội ban hành năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của Đề án này, nhất là về nguồn lực, cơ sở vật chất cho việc thực hiện Đề án.

Đại biểu Kso Phước nói: “Phải có báo cáo đánh giá tác động để thấy được tính khả thi. Thời gian chúng ta ghi là năm 2023, như vậy quỹ trong 10 năm. Rút kinh nghiệm vừa qua chúng ta làm 14 năm, tranh luận mãi về sách giáo khoa mà đầu tư nhiều. 10 năm nữa mà thay đổi toàn diện thì sẽ như thế nào? Nếu thực hiện Đề án này thì phải làm rõ giáo viên được đào tạo, trang bị như thế nào? Thời gian học? Tính phát triển của thời đại. 10 năm nữa liệu có thực hiện được?”.


Giải trình thêm câu hỏi của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, chương trình đổi mới sách giáo khoa theo Nghị quyết 40 của Quốc hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và cần thiết phải ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tán thành với sự cần thiết phải đổi mới giáo dục, tuy nhiên các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những đánh giá chi tiết những tác động của Nghị quyết của Quốc hội, bổ sung những điểm mới của Hiến pháp vào Đề án để triển khai thực hiện đạt hiệu quả, chất lượng, mang tính chiến lược và đặc biệt là được học sinh, phụ huynh và nhân dân hưởng ứng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý góp ý: “Đề án liên quan, tác động rất lớn tới đời sống của nhân dân. Con em chúng ta bao nhiêu thế hệ nhưng vẫn loay hoay đổi mới. Tổng kết làm tới đâu, còn vấn đề gì vướng mắc? Luật Giáo dục mấy lần sửa đổi đã giải quyết được vấn đề chưa, còn gì vướng mắc để Quốc hội xem và quyết? Tôi đề nghị chuẩn bị đầy đủ hơn. Lấy ý kiến rộng hơn, nhất là các chuyên gia về giáo dục và cần lấy ý kiến nhân dân”.


Để Đề án trình Quốc hội đạt chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện nội dung, trong đó cần có đánh giá tác động việc thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội. Chương trình đổi mới giáo dục phải bám sát thực tiễn, coi trọng giáo dục toàn diện để phát triển năng lực, thể chất của học sinh, cũng như đảm bảo tính hợp hiến.

Bình luận