Đổi mới trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

(VOH) - Đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo của 30 Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia

Sáng nay 19/08, Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số điểm cầu trải nghiệm thực tế tại một số địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các phó Thủ tướng tham dự lễ khai trương.

Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TPHCM

Phát biểu khai mạc tại lễ khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, tổng hợp, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định trên cơ sở thông tin, dữ liệu số được hiển thị trực quan. Văn phòng Chính phủ khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thông qua Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, có thể theo dõi, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương; đồng thời, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp được khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia theo phân cấp quản lý.

Đến nay, Hệ thống thông tin báo cáo của 30 Bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống. Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. "Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành từ phương thức thủ công, giấy tờ chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác tạo thành nguồn thông tin, dữ liệu thống nhất, an toàn, bảo mật và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo. Đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước, trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".

Tại lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.

Cũng tại buổi lễ dịch vụ công thứ 1.000 là dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TPHCM cũng chính thức công bố trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tại nhiều địa phương, các công dân đã trực tiếp trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến theo đúng tiêu chí không phụ thuộc thời gian, vị trí địa lý, chỉ cần ngồi một chỗ cùng với máy tính/điện thoại thông minh và internet để thực hiện thủ tục hành chính.

Tại điểm cầu showroom Công ty Trường Hải, quận Phú Nhuận, TPHCM, ông Đoàn Công Danh thực hiện dịch vụ thứ 1.000. Sau khi trải nghiệm, ông Danh chia sẻ: "Tôi thấy rất nhanh, thuận tiện cho người dân sử dụng, đỡ nhiều công đoạn, đỡ phải mất công đoạn đi so với lúc trước, tránh được tiêu cực đôi bên, lui tới mất thời gian" .

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Do đó, cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số. Thủ tướng lưu ý một số vấn đề với các bộ, địa phương, cơ quan lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.  

"Chúng ta cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Cần thúc đẩy mạnh mẽ kết nối liên thông tương tác và cung cấp dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa Chính phủ với các Bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính, các cấp, tổ chức chính trị liên quan. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất. Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ", Thủ tướng Nguyễn Xuân đề nghị.

Thủ tướng hy vọng: Trong tương lai không xa, phải hướng tới, xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ liên chính phủ trên một số lĩnh vực với các nước trên thế giới; đặc biệt đối với các nước Cộng đồng ASEAN. Phát triển Chính phủ điện tử có kết nối, liên thông, tương tác quốc tế, được xem là công cụ quan trọng giúp tăng cường ngoại giao và thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế.

Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng đề nghị hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.

 

Minh Hiệp

Bình luận