Đổi tiền “lì xì” tết ở đâu?

(VOH) - Lãnh tiền thưởng tết được gần mười triệu, tôi hạ “quyết tâm” chơi bảnh bỏ ra hẳn hai triệu đổi một xấp hai chục ngàn mới cáu cạnh để về dưới quê “lì xì” năm mới cho mấy đứa con, cháu.

Mấy bữa trước, thấy các cô nữ kế toán thầm thì hỏi nhau đổi tiền mới, tôi nóng lòng lắm nhưng khi đó chưa được lãnh tiền thưởng tết nên đành bấm bụng chờ.

Vừa lãnh tiền xong là tôi “bay” ra ngay ngân hàng X (nơi tôi mở thẻ tín dụng từ mười mấy năm nay và cả thẻ ATM lương tháng). Vừa nghe tôi hỏi muốn đổi ít tiền mới, ngay lập tức nụ cười xinh tươi trên môi cô giao dịch viên (Teller) biến mất, đôi mắt lạnh tanh với tiếng trả lời nhẹ… lạnh băng “Hết rồi anh!”.

Tôi cố gắng nài nỉ, thì đôi môi tô son đỏ chót ấy bắt đầu cao giọng và “xả cả băng” vào tôi: nào là ngân hàng đổi có ngày thôi chứ…, khách hàng phải biết chứ! (có khách hàng nào được thông báo đâu nhỉ?!); anh muốn đổi thì đến mấy ngân hàng lớn,…đây là ngân hàng thương mại, đâu phải ngân hàng nhà nước đâu mà đòi hỏi….

Tức mình, tôi đi liền đến chi nhánh lớn hơn cũng nhận được câu trả lời ấy. Tôi bèn đến chi nhánh ngân hàng khác (nơi tôi mở thẻ debit cả mười lăm năm).

Với giọng phấn khởi và chứa chan hy vọng của khách hàng “thân thiện” tôi hỏi cô giao dịch viên ở quầy ngân quỹ là cho tôi đổi một ít tiền mới được không. Cô ta đang mải “tám” chuyện với người bạn đồng nghiệp kế bên, nên chẳng thèm nhìn tôi, xẵng giọng “không có!” (đừng nói là ngày thường, ngay ngày tết mà ngân hàng không có tiền mới, thật là hy hữu).

Lòng đã “tắt hết” giọt nắng cuối ngày, buồn bã tôi đành xếp hành trang lên chiếc xe máy xin nghỉ phép về quê sớm. Tuy nhiên, ông trời không phụ lòng người…ít tiền, khi đi đến khu công nghiệp Linh Xuân (Thủ Đức) thì tôi thấy hàng chục người phụ nữ, đàn ông cầm trên tay hàng xấp xấp tiền mới đủ loại rao gọi, chèo kéo công nhân, người qua đường đổi tiền mới.

“Bao nhiêu cũng có anh à!”, một bà sồn sồn chào mời tôi. Tôi hỏi đổi thế nào, bà ta nói “đổi từ một triệu đến ba triệu là 15% nhé anh, đổi càng nhiều, phần trăm càng ít, trên năm triệu đến mười triệu còn 10%...”. Tôi nhẩm tính, đổi xấp hai triệu tiền hai mươi ngàn, tôi phải bù bốn trăm ngàn. Nhiều quá, thà để tiền cũ cho mấy đứa nhỏ đỡ tốn, tôi nghĩ và bỏ đi.

Không khó tìm những điểm đổi tiền lì xì Tết.

Đường về phố phường ngày một thưa dần, trên suốt dọc đường tôi thấy nhan nhản quán hàng hai bên đường với những tấm biển “Đổi tiền mới”. Đã quyết lòng dành giữ “chống lãnh phí”, nhưng mà cái tiềm thức truyền thống cứ trỗi dậy, những ngày tết thơ bé tôi đã sung sướng thế nào khi được “lì xì” (mặc dù sau tết đều đưa lại mẹ).

Trong đầu hiện lên những khuôn mặt, ánh mắt hân hoan của những đứa trẻ trong nhà khi nhận cái phong bì màu đỏ, ấp úng “Nhăm mới, Chúc cậu Ba ăn mau, chóng nhớn!”.

Tôi “ngã lòng” và dừng xe vào một tiệm hỏi đổi một xấp hai mươi ngàn mới (hai triệu) với thỉnh cầu “Bớt chút đỉnh nhe người đẹp!”. Quả là hiệu nghiệm, cô chủ tiệm tươi cười “Dạ, em chỉ dám bớt cho anh Hai hai chục ngàn nhen, vì ngân hàng giao tụi em hết 8% rồi. Anh Hai đưa em hai triệu một trăm tám mươi ngàn cũng được!”.

Hú vía và sung sướng, mình chỉ mất có 9% lãi, vậy là “lời” to rồi. Tôi nghĩ thầm vui suốt dọc đường về.

Bây giờ, tôi tự lý giải một phần vì sao các ngân hàng luôn “không đổi” và “không có” tiền mới. Chỉ một cái tết, với lãi suất 5 – 7 % tiền mặt thu về trên hàng chục tỷ từ hoạt động “bán” tiền mới thông qua các “kênh” đại lý tư nhân, là “lời” to cả năm.

Quả là biết làm ăn!