Nội dung đơn thư chủ yếu liên quan đến đất đai, xây dựng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; và quản lý vận hành nhà chung cư.
Báo cáo nêu rõ, một số vấn đề nổi bật như: khiếu nại về đầu tư tài chính, hoạt động của các khu xử lý rác thải gây ô nhiễm, và tranh chấp đất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên. Đặc biệt, khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có xu hướng tăng ở nhiều địa phương, khi công dân cho rằng cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trong năm qua, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.987 lượt người về 4.608 vụ việc, trong đó có 234 đoàn đông người. Các cơ quan đã ban hành 1.092 văn bản chuyển đơn, hướng dẫn xử lý 295 đơn, và trực tiếp giải thích, vận động 3.221 công dân tuân thủ các quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Tổng cộng, 32.212 đơn thư đã được gửi đến, tăng 1.033 đơn so với năm 2023. Trong số 9.676 đơn đủ điều kiện xử lý, các cơ quan đã chuyển 4.216 đơn đến cơ quan có thẩm quyền, hướng dẫn trả lời 1.384 đơn, nghiên cứu 534 đơn và lưu theo dõi 23.960 đơn.
Ngoài ra, 252 vụ việc đã được giám sát nhằm đảm bảo giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo. Công tác giám sát tiếp tục được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Trưởng Ban Dân nguyện khẳng định, công tác dân nguyện là ưu tiên hàng đầu của Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp thu, triển khai đạt hiệu quả tích cực.