Đây là thông tin được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 14/1.
Theo báo cáo, vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số kinh tế quan trọng. Tổng thu ngân sách Nhà nước của vùng đạt 815.650 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng thu ngân sách cả nước, với Hà Nội và Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương đóng góp cao nhất. Đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng thu ngân sách.
Giá trị xuất khẩu của vùng đạt hơn 132 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng ghi nhận mức tăng vượt bậc với tổng vốn đăng ký đạt 20 tỷ USD, chiếm 52,6% cả nước.
Về giải ngân vốn đầu tư công, vùng đạt tỷ lệ 81%, cao hơn mức bình quân chung (77,55%). Một số địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao như Hải Phòng (99,67%), Thái Bình (99,09%) và Nam Định (159,36%).
Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã được triển khai và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy kết nối nội vùng và liên vùng. Nổi bật là dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt 97,6%, các dự án thành phần đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, các bến container tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã đi vào hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định mục tiêu tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2025 sẽ đạt hai con số, khẳng định vai trò dẫn dắt nền kinh tế cả nước. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thiện các dự án lớn và khuyến khích đầu tư công-tư (PPP). Đồng thời, vùng cần tận dụng vị thế trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, phát huy thế mạnh trong chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.