Dự án giải quyết ngập do triều: Chất lượng là trên hết

(VOH) - Chiều ngày 4/10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, phó chủ tịch Lê Văn Khoa, cùng các Sở, ban, ngành, quận huyện đã có buổi thực địa tình hình thực hiện và giải quyết khó khăn vướng mắc dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1.

Đây là dự án được đầu tư với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM, đồng thời chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị (QH 752) và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và cải tạo cảnh quan và môi trường.

Báo cáo kết quả sau 3 tháng triển khai dự án, đại diện đơn vị đầu tư, ông Nguyễn Tâm Tiến – TGĐ Cty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết: đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã sử dụng hơn 500 tỉ đồng vốn tự có để tăng cường tiến độ thi công. Hiện, 700 công nhân làm việc liên tục 3 ca/ngày để gấp rút thi công 6 cống kiểm soát triều, 2 cống nhỏ và gần 8km đê kè thuộc huyện Nhà Bè. Dự kiến, thời gian hoàn thành sẽ sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng cho biết, hiện nay tình trạng ngập nước gây ra nhiều tiêu cực cho xã hội mà ai cũng thấy. Tuy nhiên, phải thấy được rằng, hiện tượng ngập ở Thành phố có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ ngập do triều cường hay mưa lớn. Phân tích đầy đủ những nguyên nhân ấy để tìm ra những giải pháp chống ngập một cách đồng bộ và phù hợp. Việc nỗ lực giải quyết tình trạng ngập do triều cường vì vậy nên được đẩy mạnh và có sự phối hợp đồng bộ.

Thế nhưng, theo nhà đầu tư, hiện nay nỗ lực hoàn thành tiến độ của công trình chống ngập này còn gặp 2 khó khăn chính: một là vướng mắc về giải phóng mặt bằng; hai là của cơ chế giải ngân tín dụng.

Cụ thể, việc thi công cống kiểm soát triều Phú Định, quận 8 bị ảnh hưởng 15 hộ dân, trong đó 2 hộ di dời hẳn, còn lại lại giải tỏa một phần; cống kiểm soát triều Tân Thuận còn vướng 2 hộ dân dựng tạm lều bán nước ở bờ phía Quận 4 và 3 hộ dân phía bờ Quận 7… Các địa điểm khác như cống Cầu Kinh, cống Bà Bướm, cống kiểm soát triều Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và 2 Đê kè ở Nhà Bè đều vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Võ Thanh Khả, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, việc thi công đoạn Đê Kè đi qua địa bàn huyện ảnh hưởng đến 200 hộ dân, có cả các doanh nghiệp. Có hộ sẵn sàng di dời, nhưng một vài doanh nghiệp vẫn đang tính toán chưa chịu di dời.

Ông Khả nói: "Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp. Có doanh nghiệp thực hiện được nhưng đa số cho rằng, do tuyến kè đi qua ảnh hướng lớn đến phạm vi, diện tích của họ nên cần phải có phương án, tính toán lại mặt bằng. Doanh nghiệp muốn biết ranh mốc chính xác bị ảnh hưởng đến mức độ nào mới tiến hành di dời. Huyện sẵn sàng ủng hộ các phương án để hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất là phải bàn giao ranh mốc dự án để chúng tôi có cơ sở trả lời thông báo đến các hộ dân".

Công nhân thi công tại công trường cống ngăn triều Mương Chuối

Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND Quận 7 cho biết, những kiến nghị của nhà đầu tư như bàn giao mặt bằng cống kiểm soát ngăn triều Tân Thuận đã được thực hiện. Tuy nhiên, để việc phối hợp giữa nhà đầu tư và địa phương được thuận lợi hơn, ông Bình cho biết, cần cơ chế phối hợp đơn giản, không cần phải ban hành quá nhiều văn bản. Hơn hết là nhà đầu tư phải chủ động thông báo cho chính quyền những khó khăn để hai bên phối hợp thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng của các Sở ngành, quận huyện trong việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu Sở tài chính sớm tham mưu UBND TP làm tờ trình gửi Ngân hàng nhà nước đề nghị tái cấp vốn để chủ đầu tư triển khai tiếp tiến độ của dự án. Tuy nhiên, đối với một số hộ cản trở thi công công trình và không chịu di dời, trước mắt, chính quyền địa phương cần vận động tuyên truyền người dân hiểu trước khi tiến hành cưỡng chế.

"Tinh thần tôi thấy nên vận động di dời là chính. Tiến độ công trình này thì nhanh nhưng chất lượng công trình là yếu tố quan trọng mà chúng ta không được phút giây nào lơ là. Giá trị công trình không phải tính bằng tiền, quan trọng là sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm ngập cho thành phố, nước triều sẽ không còn ảnh hưởng đến khu vực này nữa. Đồng bào thành phố sẽ nhìn nhận lại tác dụng cuối cùng của công trình là chính. Với tinh thần đó, chúng ta làm tiến độ đẩy nhanh nhưng chất lượng mới là yếu tố quyết định", ông Khoa nói thêm.