Dự án Luật nên có quy định về việc quản lý tài nguyên nước trên lãnh hải Việt Nam?

(VOH) - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 9/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và góp ý cho dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau hơn 12 năm thi hành, Luật Tài nguyên nước đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước. Nhưng đến nay Luật cũng đã bộc lộ một số bất cập như chưa quy định toàn diện về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông; điều hoà, phân bổ nguồn nước hợp lý; sử dụng tiết kiệm nước.
Ảnh minh họa.

Ý kiến của nhiều đại biểu, nhìn nhận: Luật Tài nguyên nước chưa quy định đầy đủ, toàn diện, Luật nên xem xét, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, theo đó nên đưa nước khoáng, nước nóng vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước… Góp ý cho việc quản lý tài nguyên nước trên lãnh hải Việt Nam, đại biểu Trương Trọng Nghĩa-ĐBQH TPHCM, kiến nghị: "Tôi đồng ý có 1 Luật điều chỉnh riêng về tài nguyên nước trên biển, nhưng riêng tài nguyên nước ở vùng lãnh hải nên đưa vào phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tài nguyên nước lãnh hải có khi còn lớn hơn tài nguyên nước trên đất liền. Quản lý tài nguyên nước trên lãnh hải là cần thiết trước việc nước ta đang phát triển kinh tế biển và khai thác biển đang ngày càng tăng lên. Tóm lại, tôi không đồng ý đưa tài nguyên nước của lãnh hải ra khỏi Luật này".

Đa số các đại biểu tập trung góp ý cho Chương 1 của Dự thảo Luật. Theo các đại biểu, tại phần mở đầu nên có khái niệm về tài nguyên nước để người đọc có thể khái quát được một cách chung nhất về tài nguyên nước. Tại Điều 3, điểm 4, có đại biểu đề nghị thêm quy định về “bảo vệ hồ chứa điều tiết lũ”. Bởi lẽ, trong số 800 tỷ m3 nước của Việt Nam thì có 2/3 là ở nước ngoài chảy vào. Bài học từ hồ Trị An bị xâm phạm nguy hiểm thời gian qua đã đặt ra vấn đề cần phải bảo vệ hồ chứa điều tiết lũ. Đại biểu Trần Văn Huynh-ĐBQH tỉnh Kiên Giang, góp ý thêm về vấn đề này: "Đề nghị dự thảo Luật nên đưa thêm nội dung quy định về bảo vệ hồ chứa khi điều tiết lũ vì thực trạng ở VN hiện nay có 2/3 lượng nước ở nước ngoài chảy vào. Điều 26 bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, dự thảo Luật chỉ nêu các vấn đề, các công trình xây dựng không được cản trở dòng chảy, song thực trạng kênh rạch ở nước ta vẫn xảy ra hiện tượng nuôi cá lồng bè trên sông vừa gây ô nhiễm nguồn nước, vừa cản trở dòng chảy. Về vấn đề này được giải quyết như thế nào"?

Đại biểu Châu Thu Nga-ĐBQH thành phố Hà Nội, nhìn nhận: Các quy định về nước sạch trong dự thảo Luật còn chưa phân định rõ nét. Góp ý về việc cần có một bộ máy thanh tra về tài nguyên nước, đại biểu Châu Thu Nga, cho rằng: "Về vấn đề thanh tra tài nguyên nước cần cân nhắc lập bộ máy này. Luật hiện chỉ quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền, bộ máy này lồng ghép trong thanh tra chuyên ngành do Bộ TNMT chỉ đạo và hướng tới chỉ có một tổ chức bộ máy thanh tra trong Vụ này. Cần xem lại hiện nay Bộ có bao nhiêu thanh tra chuyên ngành trong bộ máy, có nên thành lập thanh tra tài nguyên nước hay không"?

Một trong những cải tiến đáng chú ý của dự thảo Luật này là quy định phải lấy ý kiến của cộng đồng và các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có tác động lớn đến sản xuất, đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn phải có trách nhiệm lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn bị ảnh hưởng. Góp ý thêm về việc quản lý nguồn tài nguyên nước sông, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp-TP Cần Thơ, đề nghị: "Cần phải thực hiện tốt những quy hoạch tài nguyên nước, lưu vực sông có phân loại cụ thể nhằm đáp ứng được yêu cầu của kế hoạch phát triển KTXH - ANQP của đất nước. Kỳ hạn lập kế hoạch là 5 hoặc 10 năm và có tầm nhìn 20 năm theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội".

Các đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn nữa trong trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, khắc phục các sự cố như tình trạng thủy điện xả lũ gây ngập úng trong thời gian vừa qua. Các ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật cũng cần quy định rõ hơn về việc thanh kiểm tra và xử lý các sai phạm trong việc sử dụng tài nguyên nước. Góp ý về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước ở Điều 71 và Điều 73 của dự án Luật, đại biểu Đỗ Hữu Lâm-Đoàn Long An, cho rằng: "Thực tế trong thời gian qua, khi áp dụng Luật tài nguyên nước đã bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý ở các địa phương do phân cấp không rõ ràng. Công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương chỉ tập trung ở cấp tỉnh, thủ tục cấp phép thăm dò khai thác nước dưới đất gây nhiều khó khăn...Đề nghị Luật sửa đổi tài nguyên nước lần này nên phân cấp mạnh xuống cấp huyện gắn với trách nhiệm kiểm tra, quản lý, xử lý đối với các đối tượng vi phạm trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước".

Trước đó cũng trong phiên làm việc sáng nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; Nghị quyết về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015. Trong phiên làm việc tại tổ chiều nay, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến cho 2 dự án Luật phòng, chống rửa tiền và Dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. 2 dự án Luật trên dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3-Quốc hội khóa 13 tới đây.

Bình luận