Xuất phát từ ý tưởng Báo chí Việt Nam trong suốt quá trình phát triển luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bao gồm 3 dự án thành phần là Dự án Trưng bày Bảo tàng, Dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu, Dự án Tuyển dụng và đào tạo Nhân sự bảo tàng.
Ngày 21/8/2014, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở căn cứ đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là “bảo tàng chuyên ngành do Hội Nhà báo Việt Nam quản lý" và “bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố quyết định và ra mắt Bảo tàng đã được tổ chức trọng thể ngày 16/8/2017.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tầm nhiều hiện vật quý giá của Báo chí Cách mạng - Ảnh: SGGP
Từ khi được thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần nói trên. Dự án sưu tầm tài liệu hiện vật hiện đã và đang tiếp tục triển khai, đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thấm duyệt phục vụ trưng bày.
Dự án trưng bày triển khai đồng thời với Dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công. Nội dung trưng bày gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày: Hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, Bục kim cương ở gian 1865 – 1925; khu vực "Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và Nhân dân", Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam…
Dự kiến, ngày 19/6 tới Bảo tàng sẽ khai trương và đón khách tham quan - Ảnh: SGGP