Gần 700 người chết vì tai nạn lao động mỗi năm: Hồi chuông cảnh báo dai dẳng

VOH - Vỏn vẹn 10 ngày, hai vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra lấy đi sinh mạng 13 người. Đừng để những hồi chuông cảnh báo từ an toàn lao động mãi là những tiếng chuông dai dẳng.

Liên quan đến vụ 7 công nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại nhà máy xi măng ở Yên Bái, Công an tỉnh này đã khởi tố, bắt tạm giam một nhân viên tại đây. Theo các cơ quan liên quan, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do sai sót trong thực hiện quy trình vận hành sửa chữa, dẫn đến vụ tai nạn lao động thảm khốc.

9 ngày trước đó, hôm 22/4, tại Công ty CP Xi-măng và Khoáng sản Yên Bái (tỉnh Yên Bái), một nhóm công nhân tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền thì bất ngờ xảy ra sự cố, 7 người tử vong tại chỗ.

Còn trong tháng 4, ở Quảng Ninh, 4 công nhân của Công ty Than Thống Nhất ra đi mãi mãi sau sự cố hầm lò...

hien truong vu no lo hoi o dong nai 6 nguoi chet
Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai làm 6 người chết

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, cả nước có gần 7.400 vụ tai nạn lao động, làm khoảng 7.500 người bị nạn. Số người chết gần 700 người. 

Tổng chi phí khắc phục và thiệt hại tài sản trong khu vực chính thức lên tới trên 16.300 tỷ đồng.

Riêng tại TPHCM xảy ra 703 vụ tai nạn lao động trong năm 2023. Trong đó, 44 vụ tai nạn lao động có người chết làm 44 người chết  và 98 người bị thương nặng. 

Ở khu vực phi chính thức, năm 2023 thành phố có 13 vụ tai nạn lao động làm 14 người tử vong.

Thời gian qua, các vụ tai nạn lao động do người lao động bị ngã từ trên cao, điện giật, va đập, vật ép, bỏng hóa chất, nổ bình chứa khí... xảy ra không phải là ít.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn hoặc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Các vụ việc đã được điều tra xác định nguyên nhân, đề ra các biện pháp nhằm khắc phục các trường hợp tai nạn lao động tương tự, tái diễn.

Pháp luật đã có những quy định cụ thể và đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động, thế nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến hậu quả thương tâm.

Nghiên cứu của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động đã trả lời vấn đề này. Theo đó, nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 73%, bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài.

Công nghệ càng tiến bộ càng cần quy trình nghiêm ngặt.

Và cũng cần điều soát thay đổi những công nghệ lạc hậu, không phù hợp với điều kiện môi trường và sức khỏe của người lao động. Như vụ việc hơn 62 công nhân mắc bụi phổi ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã cho thấy nhiều bất cập, lỗ hổng.

Vụ việc cũng cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động còn thiếu sâu sát, chưa phát hiện các vi phạm hoặc xử lý chưa nghiêm.

Việc đào tạo chuyên môn, kỹ năng vận hành máy móc rất quan trọng, tránh người lao động chưa biết sử dụng vẫn cố khởi động, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa dành đủ nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Bình luận