Theo đó, người đi khám, chữa bệnh không có BHYT phải thanh toán 100% mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh: phí khám bệnh hiện nay tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 của thành phố đang là 20.000 đồng sẽ tăng lên 39.000 đồng, bệnh viện hạng 2 từ 15.000 tăng lên 35.000 đồng, bệnh viện hạng 3 từ 10.000 đồng tăng lên 31.000 đồng, bệnh viện hạng 4 từ 7.000 đồng lên 29.000 đồng.
Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy... tại các bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 354.000 - 677.000 đồng/người; bệnh viện hạng 2 tăng từ 350.000 - 569.000 đồng. Giường bệnh nội khoa tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 99.000 - 215.000 đồng; giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, tai biến... tăng từ 89.000 - 192.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành.
Người dân chờ khám bệnh tại BV Quận 3 (Ảnh: LH)
Hiện 80% người dân TPHCM đã có thẻ BHYT nên việc áp dụng giá viện phí mới sẽ chỉ tác động đến gần 20% dân số còn lại. Việc tăng giá cũng không ảnh hưởng nhiều đến trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, người thuộc hộ cận nghèo bởi các đối tượng này đã được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả.
Theo Sở Y tế TPHCM, từ hôm nay, 51 bệnh viện công lập thuộc sở sẽ không còn nhận ngân sách nhà nước và chính thức tự chủ nguồn kinh phí để chi thường xuyên cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện (trừ Bệnh viện Phong Bến Sắn và Bệnh viện Nhân Ái).
Trước đó, từ ngày 1/8, đã có 12 bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần trên địa bàn TP cũng đã được phép áp dụng Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.