Chờ...

Giải ngân đầu tư công 6 tháng mới đạt hơn 29% kế hoạch

VOH - Sáng 16/7, kết luận Hội nghị về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện “5 quyết tâm," “5 bảo đảm” để thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Tổng hợp đến ngày 10/7/2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao vốn đầu tư công đạt 95,5% kế hoạch; giải ngân đầu tư công đến ngày 30/6/2024 mới đạt 29,39% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước; 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Phân tích nguyên nhân khi cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt, các đại biểu cho rằng, việc giải ngân đầu tư công năm 2024 chậm do các dự án phải giải phóng mặt bằng, liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất lúa, đất rừng, bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật… còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm;

Tình trạng thiếu vật liệu san lấp thông thường ảnh hưởng tới tiến độ; giá nguyên, nhiên vật liệu biến động; việc điều chỉnh dự án phù hợp với các quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục thẩm định của các chuyên ngành như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy, chữa cháy… tốn nhiều thời gian...

 Thu tuong dau tu cong 2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024 - Ảnh: TTXVN

Do tính đặc thù, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thường thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, các đại biểu cũng thừa nhận còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc… gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện;

Đặc biệt, do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập.

Riêng các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn có khó khăn, vướng mắc do yêu cầu về quy trình, kỹ thuật của nhà tài trợ khắt khe, trong khi năng lực quản lý và thực hiện của một số chủ dự án chưa đáp ứng yêu cầu…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc 33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương có tỷ lệ giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp;

Yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Trong đó, chưa giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của một số dự án phải kéo dài; một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi; công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế; quản lý đầu tư xây dựng còn bất cập; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế; chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành…

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm tinh thần “5 quyết tâm," “5 bảo đảm” trong giải ngân đầu tư công.

Trong đó, “5 quyết tâm” gồm quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn khi phát sinh trên thực tế;

Đổi mới phương pháp, cách làm, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; quyết tâm bám sát thực tiễn, tháo gỡ thể chế, vướng mắc, khắc phục bằng được tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Thực hiện “5 bảo đảm” gồm bảo đảm đủ nguyên vật liệu phục vụ các dự án, nhất là cát sỏi, đất đắp nền…; bảo đảm nhân lực đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm cho công tác giải ngân đầu tư công, cụ thể là các dự án lớn, mang tầm quốc gia;

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân tổ chức tái định cư, tạo sinh kế cho người dân; bảo đảm quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường dự án theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Chỉ rõ, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phấn đấu đến năm 2025, nhất là 3.000 km đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan, chủ tịch ủy ban nhân dân tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.