Giải pháp cung cấp nước sạch tại TPHCM trước tình hình xâm nhập mặn

(VOH) - Xâm nhập mặn không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho đồng bằng sông Cửu Long mà còn đang gây ảnh hưởng đến TPHCM. Độ mặn tại sông Đồng Nai, sông Sài Gòn tăng cao khiến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho 10 triệu dân tại TPHCM là rất lớn.

Theo số liệu quan trắc tại trạm đo của nhà máy nước Tân Hiệp trên sông Sài Gòn, thời điểm này độ mặn đã lên đến 250mg/l, từ 2-3 giờ/ngày, cao hơn nhiều so với những năm trước và đang có chiều hướng gia tăng. Độ mặn cao khiến nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước thô tổng cộng 5 giờ mỗi ngày. Còn nhà máy nước Bình An ở hạ lưu sông Đồng Nai cũng phải tạm ngưng khai thác nước thô khi độ mặn vượt hơn 250mg/l.

Mới đây thì hồ Dầu Tiếng đã phải xả nước để các nhà máy nước trong khu vực có đủ nước khai thác. Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, việc các nhà máy nước đầu mối phải tạm dừng khai thác khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép đang khiến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại TPHCM trở nên cận kề.

Hồ Dầu Tiếng - Ảnh: SGT.

Để làm rõ hơn về vấn đề cung cấp nước ở TPHCM tại thời điểm mà xâm nhập mặn đang ngày càng diễn ra gay gắt và tiến sâu vào sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Giang – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn.

VOH: Xin ông cho biết hiện nay tình hình xâm nhập mặn tại TPHCM đã ảnh hưởng như thế nào đến việc cung cấp nước sạch cho người dân thành phố?

Ông Bùi Thanh Giang: Mùa khô năm nay diễn ra khá gay gắt cộng với việc chúng ta đang trong đợt ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, do đó hiện nay mực nước của các con sông cung cấp nước chính cho TPHCM là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đang ở mức thấp.

Còn các hồ đầu nguồn để trữ nước như hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa trên sông Sài Gòn và hồ Trị An trên sông Đồng Nai, vì mùa khô nên lượng nước thấp và lượng nước dự trữ không đạt yêu cầu, chỉ đạt 70-80% công suất thiết kế và đồng thời nguồn nước bổ sung về cho các hồ này cũng sụt giảm.

Vì những yếu tố đó nên đưa đến những vấn đề: thứ nhất là Tổng công ty gặp khó khăn trong quá trình xử lý nước, thứ hai là điện năng tiêu tốn rất nhiều cho quá trình xử lý, thứ ba là lượng nước thấp nên các con sông bị xâm nhập mặn làm cho các trạm bơm của chúng tôi có thời điểm phải ngưng hoạt động.

VOH: Theo dự báo thì tình hình xâm nhập mặn sẽ kéo dài đến tháng 6 năm nay, vậy Tổng công ty đã có những giải pháp cũng như những kiến nghị gì để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt ở TPHCM?

Ông Bùi Thanh Giang: Tình hình xâm nhập mặn năm nào cũng diễn ra nhưng năm nay đặc biệt diễn ra gay gắt. Để đối phó, trước mắt chúng tôi giám sát rất kỹ lưỡng độ dao động của độ mặn nước sông. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các công ty trong hệ thống Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, các đơn vị quản lý mạng lưới cũng như các nhà máy nước để khi có lượng nước thiếu, yếu do có nhà máy nào bị nhiễm mặn thì sẽ điều phối các nhà máy nước khác cung cấp. Thứ ba là nếu khu vực cuối nguồn bị thiếu nước, chúng tôi sẽ điều động xe bồn để cung cấp nước cho người dân.

Về lâu dài thì chúng tôi cũng có nghiên cứu điều chỉnh tối ưu hóa công nghệ xử lý của các nhà máy nước, cũng như đã tìm kiếm và tiến hành triển khai các dự án thi công các bể chứa tại các nhà máy nước cũng như trong mạng lưới để chúng ta có thể dự phòng cho các tình huống này.

Hoạt động cấp nước của TPHCM bị ảnh hướng nghiêm trọng vì hạn mặn - Ảnh: H.C/ VNE.

VOH: Bên cạnh những giải pháp của các đơn vị cũng như ngành chức năng thì ông có những khuyến cáo như thế nào đối với người dân trong việc sử dụng nước tại thời điểm này?

Ông Bùi Thanh Giang: Hiện nay nguồn nước khan hiếm, đặc biệt trong mùa khô năm nay thì xâm nhập mặn đang tiến sâu vào các con sông, bên cạnh đó nguồn nước ngầm cũng đang cạn kiệt. Do đó với vai trò là một đơn vị quản lý về cấp nước tại thành phố, chúng tôi cũng mong muốn người dân trong giai đoạn hiện nay hãy cố gắng sử dụng nước một cách hợp lý, tiết kiệm nhất để đảm bảo nguồn nước sạch sẽ đến được với những người có nhu cầu bức thiết.

VOH: Cám ơn ông.