Giải quyết tranh chấp kéo dài: vừa thấu tình, vừa phải đạt lý

(VOH) - Sáng 25/2, ông Lê Thanh Hải – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, Đại biểu Quốc hội khóa 13, đã chủ trì buổi tiếp công dân Võ Văn Khuyến (quận 6) và Thái Thị Thu Hương (quận 5).

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi với ông Võ Văn Khuyến (quận 6) quanh kiến nghị của ông.

Ngay từ đầu buổi tiếp, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Phải chọn cách giải quyết đúng với pháp luật hiện hành, có xem xét yếu tố lịch sử, nhưng đồng thời cũng cần thấu tình đạt lý và có lợi cho dân. Trên tinh thần đó, buổi làm việc diễn ra hết sức cởi mở và thẳng thắn.

Theo kiến nghị của ông Võ Văn Khuyến (quận 6) có liên quan đến việc cấp giấy sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại nhà số 2 lô A, đường Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, thì mặt bằng này trước đây là do Xí nghiệp chế biến lâm sản quận 6 được UBND quận tạm cấp mặt bằng để sản xuất.

Đến năm 1990, xí nghiệp di dời ra huyện Bình Chánh nên đã sang nhượng lại mặt bằng cho cơ sở sản xuất gạch bông Phúc Thịnh (do ông Võ Văn Khuyến làm chủ sở hữu) với giá 42 triệu đồng tính tại thời điểm đó.

Sau khi trả đủ tiền, ông Khuyến nhiều lần đề nghị xí nghiệp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không được và chỉ được chuyển nhượng lại quyền thuê đất. Ông đã kiến nghị lên UBND quận 6 để được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy sử dụng đất, tuy nhiên UBND quận 6 yêu cầu ông phải đóng đầy đủ tiền thuế đất từ năm 2005 đến nay thì mới giải quyết.

Với suy nghĩ đã mua lại mặt bằng từ Xí nghiệp chế biến lâm sản quận 6 nên ông Khuyến không đồng tình với phương án này.

Sau khi nghe trình bày của ông Võ Văn Khuyến cũng như địa phương và các sở ngành có liên quan, ông Lê Thanh Hải cho biết: số tiền 42 triệu mà ông Khuyến trả cho Xí nghiệp chế biến lâm sản quận 6 không được tính là tiền mua mặt bằng, chính quyền không thu số tiền này của ông mà được xí nghiệp sử dụng để làm chi phí di dời. Do đó, căn cứ theo Quyết định số 438 ngày 22/6/1990 giữa UBND quận 6 và ông Khuyến thì hàng tháng ông phải đóng tiền thuê mặt bằng sản xuất cho Phòng Xây dựng nhà đất và chỉnh trang đô thị của quận.

Vụ việc thứ hai có liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Thái Thị Thu Hương và bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc, cùng ngụ tại số 44 đường Học Lạc, phường 14, quận 5.

Theo đó, căn nhà này trước đây thuộc sở hữu nhà nước, do UBND TP cấp cho nhà máy nhựa Rạng Đông để bố trí nhà ở cho cán bộ, nhân viên. Năm 1979, công ty có quyết định nội bộ (không số) bố trí tầng trệt căn nhà trên cho ông Thái Văn Lâm cùng gia đình, trong đó bà có bà Thái Thị Thu Hương là em gái ruột của ông Lâm.

Đến năm 1981, công ty lại ra quyết định nội bộ bố trí cho bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc – cán bộ của công ty được sử dụng căn nhà số 44 đường Học Lạc, quận 5 làm nhà ở, trên quyết định không ghi rõ diện tích sử dụng. Từ đó đến nay, thực tế bà Ngọc sử dụng phần lầu 1 và tầng lửng, bà Hương sử dụng phần tầng trệt.

Năm 1983, ông Thái Văn Lâm lập gia đình và chuyển về nhà cha mẹ, bà Hương tiếp tục sử dụng nhà số 44 đường Học Lạc, quận 5. Đến năm 1996, bà Nguyễn Thị Thanh Ngọc có đơn xin mua lại toàn bộ căn nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ nhưng bà Thái Thị Thu Hương có đơn ngăn chặn nên phát sinh tranh chấp.

Tại buổi làm việc, bà Ngọc cho rằng mình đã có thiện chí trao đổi, mua lại quyền sử dụng căn nhà số 42 đường Phạm Phú Thứ, phường 3, quận 6 để bà Hương chuyển đến ở, đồng thời công ty nhựa Rạng Đông cũng ban hành quyết định bố trí nhà này cho bà Hương từ năm 1998 nhưng bà Hương nhất quyết không đồng ý chuyển đi.

Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “Đây chỉ là quyết định mang tính nội bộ và không có hiệu lực, do từ năm 1998, các cơ quan, đơn vị nhà nước không còn được phép phân phối, bố trí nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho cán bộ, nhân viên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra theo Nghị định 99, do có thời gian cư trú dài, bà Hương vẫn có quyền được thuê hoặc mua lại nhà số 44 Học Lạc, quận 5”.

Giải quyết các vụ việc tranh chấp, kiến nghị trong nhiều năm là một vấn đề không hề dễ dàng. Đơn cử như trường hợp của ông Võ Văn Khuyến và bà Thái Thị Thu Hương đều kéo dài hơn 20 năm, qua rất nhiều lần làm việc, hòa giải nhưng vẫn không có kết quả. Đối với họ, việc tìm ra tiếng nói chung giữa người dân với chính quyền quả thật là hành trình rất gian nan.

Tuy vậy, trong buổi tiếp công dân sáng nay, được nghe những lời chia sẻ, giải thích cặn kẽ, thấu tình đạt lý của các cơ quan có thẩm quyền, cũng như nhận được hướng giải quyết dứt điểm từ nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, người dân hết sức vui mừng và hài lòng.