Giải quyết vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm cần xã hội vào cuộc

(VOH)- Hôm nay (5/6), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ 3, các đại biểu dành cả ngày làm việc tại Hội trường để nghe báo cáo và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Ngay sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, gần 80 đại biểu đã đăng ký tham gia thảo luận về nội dung này. Điều này cho thấy sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước đối với chủ đề giám sát tối cao này của Quốc hội.

Phần lớn các ý kiến phát biểu tại nghị trường đều nêu bật những tác hại mà tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ra cho cộng đồng. Có ý kiến thậm chí nhấn mạnh rằng tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm gây ra hậu quả to lớn cho không chỉ sự phát triển kinh tế xã hội mà quan trọng hơn là đối với thể lực, sức khỏe, trí tuệ của con người Việt Nam.

Hình minh họa

Bên cạnh chỉ ra tác hại, các đại biểu cũng thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, bất cập hiện nay trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, các ý kiến cho rằng hệ thống cơ quan Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay còn chưa tương xứng với nhiệm vụ; Công tác phối hợp giữa các cơ quan Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Đặc biệt là biện pháp xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đủ sức răn đe.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp, hệ thống pháp luật về ATTP tuy đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng vẫn chưa đồng bộ, các văn bản dưới luật còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa phân rõ chức năng nhiệm vụ, thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ. Công tác thanh – kiểm tra chỉ mới tập trung ở 1 số cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, bỏ qua 1 số cơ sở nhỏ lẽ, trong khi chính các cơ sở này chưa chú trọng đến an toàn thực phẩm và còn sử dụng hóa chất độc hại.

Nhiều đại biểu dẫn chứng thực trạng ở địa phương và chỉ ra rằng, việc đầu tư kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện làm việc, đầu tư trang thiết bị công tác kiểm nghiệm thực phẩm còn hạn chế, cũng là nguyên nhân quan trọng khiến công tác quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đạt kết quả như mong muốn.

Hình minh họa

Tuy nhiên, điều đáng mừng là mặc dù mặt trận đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế và diễn biến của tình trạng này cũng ngày càng phức tạp, nhưng những kết quả đạt được thời gian qua đã cho thấy sự quyết tâm cao của chính phủ, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Các đại biểu đặc biệt đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc đưa các vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm ra ánh sáng. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy – đoàn Hậu Giang đề nghị làm rõ hơn vai trò của truyền thông với các chương trình, chuyên mục, phóng sự điều tra và thông tin nóng hàng ngày, hàng giờ. Lực lượng phóng viên, biên tập, cán bộ ngành công an ngày đêm thu thập chứng cứ, đưa sai phạm ra ánh sáng công luận để cảnh báo và xử lý. Cử tri đánh giá cao kết quả này và đề nghị bổ sung vào báo cáo.

Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trong một chuyến đi kiểm tra về sinh an toàn thực phẩm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giải trình tại phiên thảo luận cũng đề cập đến vai trò của truyền thông, đồng thời kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Theo Bà Tiến truyền thông làm sao để người dân nhận thức, doanh nghiệp và nhà sản xuất phải vì sức khỏe, một dân tộc khỏe là phải mỗi người dân được khỏe, mỗi người yếu ớt thì thành một dân tộc yếu ớt.Đấy là trách nhiệm của toàn xã hội. Đấy là truyền thông”, bà Tiến nói.

Vấn đề an toàn thực phẩm rất cần sự chung tay của toàn xã hội.nTrong đó MTTQ VN và các tổ chức thành viên cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Và điều quan trọng là cần nâng ý thức của cộng đồng trong đấu tranh với các sai phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm./.