Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TPHCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng...
Đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nêu thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, thực tế vấn đề này cũng thường xảy ra ở nhiều dự án đầu tư công.
Nhu cầu dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, trong thời gian dài, trong khi đó thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công. Thực tế, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiện khắc phục những tồn tại này để đảm bảo hoàn thành Dư án theo đúng kế hoạch đề ra.
Liên quan tới vấn đề công nghệ, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của Dự án để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.
Đồng thời, đề nghị cần quan tâm, thu hút được đầu tư tư nhân trong nước, nhằm vừa giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, có thể trực tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để nội địa hoá ở mức tối đa. Từ đó, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài vừa có thể huy động nguồn lực toàn xã hội để giảm bớt sức ép cho ngân sách nhà nước.
Nhất trí với chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nguồn vốn đầu tư để đảm bảo tính khả thi.
Đại biểu đề nghị trong báo cáo khả thi cần làm rõ hơn về nội dung này. Cụ thể: bổ sung phân tích, làm rõ hơn tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn sau; về khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN; về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho Dự án...
Quan tâm tới vấn đề công nghệ, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn, dự trù được những vấn đề phát sinh để đảm bảo việc triển khai Dự án theo đúng tiến độ, chất lượng cũng như mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Để đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát trong triển khai, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm đánh giá kỹ tác động chính sách thể hiện trong chủ trương đầu tư Dự án.
Đồng thời, trong suốt quá trình thực hiện cần lưu ý giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin phải là giải pháp xuyên suốt, quan trọng nhất trong tất cả các khâu, đáp ứng phát triển kinh tế số của ngành đường sắt...
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị, Chính phủ quan tâm, chú trọng tới việc nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ không chỉ liên quan tới việc vận hành mà cả các dịch vụ phụ trợ khác, sự phát triển của các địa phương khi có tàu cao tốc đi qua...