Giới trẻ nói không với thuốc lá

(VOH) - Theo thống kê, hiện nước ta có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, 33 triệu người không hút thuốc lá song đang bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà, 5 triệu người tiếp xúc thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi hút thuốc lá hơn 40%.

Tính trung bình trên thế giới mỗi năm có hơn 6 triệu người chết vì thuốc lá, còn ở nước ta là khoảng 40.000 người.

Theo thống kê, giới trẻ ngày nay hút thuốc lá nhiều hơn thế hệ trước nhưng kỳ thực với những bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc thì hình như không phải vậy ! Họ dần ý thức được, thuốc lá không khiến họ trở nên sành điệu mà thậm chí còn khiến sự sống của họ héo mòn theo thời gian.

Trần Thanh Tùng, sinh viên năm cuối trường ĐH Kinh tế chia sẻ, bị viêm mũi mạn tính, những lúc đứng gần người hút thuốc, Tùng luôn bị sặc nên rất ghét thuốc lá. Điều này giúp bạn tránh xa cám dỗ dù nhiều lần bị bạn bè rủ rê hay khích bác “để chứng tỏ đàn ông”. “Khó chịu lắm nhưng không lẽ phản ứng với người hút thuốc thì kỳ, mình đi ra chỗ khác cho người ta hút vì nếu là chỗ công cộng thì nói được còn đằng này ở trong phòng hoặc một khuôn viên nào đó". Tùng bực bội.

Trần Văn Hanh, sinh viên trường ĐH An Ninh TPHCM từng có thời gian trọ học xa nhà. Ngày ấy khu nhà trọ có các anh lớn tuổi hơn, nên thường rủ rê tập tành hút thử. Ban đầu Hanh từ chối vì sợ bố mẹ, về sau tò mò cũng muốn thử cho biết, 1 lần rồi 2 lần, cảm thấy vị thuốc chẳng khiến mình trở nên sành điệu hơn mà còn làm cho ho sù sụ cả đêm, không ngủ được. Từ đó, Hanh đoạn tuyệt luôn với khói thuốc. " Có nhiều bạn nói rằng, khi căng thẳng hay tập trung suy nghĩ thì người hút cảm thấy thoải mái hơn, nhưng chắc đó là lý do mà những người đã nghiện nói chứ không nghiện thì chẳng ảnh hưởng gì ! ". Hanh khẳng định.

Với chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, bản thân từng hút thuốc khá lâu nhưng thời gian gần đây thì anh quyết định bỏ vì rất ngại khi đứng trước đám đông.

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

Nhiều nhà hàng, quán ăn hiện nay đã mạnh dạn cấm thực khách hút thuốc hoặc có khu riêng dành cho người nghiện thuốc. Lắm lúc hút thuốc trở thành chuyện phải lén lút thì rất kỳ cục, bởi vậy nên bỏ cho rồi. Anh Bình phân tích "Mới bỏ thuốc lá khoảng 3 tuần với rất nhiều lý do. Tôi thấy việc hút thuốc đem lại sự khó chịu cho người xung quanh, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Tôi đọc được một tài liệu nói rằng, một điếu thuốc lá làm giảm tuổi thọ 3 giây. Ngay thời điểm này Nhà nước đã quy định những người hút thuốc lá phải hút đúng nơi, nên tôi nghĩ trong tương lai gần, với ý thức của các bạn trẻ cũng như tầm vĩ mô của quản lý thì những người hút thuốc lá sẽ giảm dần".

Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất hóa học, trong đó có khoảng 40 chất được xếp vào dạng gây ung thư mà đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin.

Người hút thuốc lá thụ động thậm chí còn tổn hại sức khỏe hơn chính người hút thuốc vì khói thuốc thụ động có nồng độ nicotine lớn gấp đôi nồng độ mà người hút thuốc hấp thụ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ điều này, chỉ đến khi bị bệnh bởi thuốc lá và căn bệnh dễ gặp nhất hiện nay là phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ông Nguyễn Văn Trung ở quận Bình Thạnh đã điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được mấy năm nay. Khi được hỏi về căn bệnh ông cảm thấy rất mệt mỏi, câu trả lời ngắt quãng vì khó thở và lấy làm tiếc khi mình không đủ kiên trì để bỏ thuốc lá. "Tui bắt đầu hút năm 20 tuổi, tới 30-40 năm thì nó mới ho, khạc ra đàm thì bắt đầu tui mới đi điều trị". Ông Trung nói.

Ngoài tác hại với sức khỏe, thuốc lá còn gây cho xã hội những tổn thất về kinh tế. Cũng như xu hướng chung của thế giới, số người hút thuốc tại Việt Nam tập trung nhiều nhất ở nhóm thu nhập thấp. Tiền chi cho thuốc lá chiếm một phần không nhỏ trong ngân quỹ vốn eo hẹp của họ và ảnh hưởng đến các chi tiêu về quần áo, giáo dục, y tế.

Mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam chi gần 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người nghiện, một năm, chúng ta tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống hơn 10 triệu người. Chưa kể, thuốc lá còn mang đến nhiều hệ lụy khác như chi phí điều trị nội trú, ngoại trú và tự điều trị cho 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí điều trị nội trú cho một đợt nằm viện, Chính phủ chi 40%, Bảo hiểm chi 19% và người bệnh chi 41%. Do vậy, giới trẻ hãy cân nhắc khi có ai đó rủ rê hút thuốc, còn những người đã nghiện thì hãy nhìn vào những hình ảnh cảnh báo được in trên bao thuốc để có sự lựa chọn phù hợp cho bản thân.

Đó cũng chính là cách tự cứu lấy mình khi còn kịp.