Chiều 26/6, tại họp báo định kỳ của UBND thành phố Hà Nội, ông Đào Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội trả lời về kế hoạch triển khai tuyến buýt nhanh BRT sau khi phát triển thêm đường sắt đô thị.
Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết quy hoạch chung 1259 và quy hoạch giao thông vận tải 519 xác định các tuyến buýt nhanh BRT là một trong những hình thức vận tải khối lượng lớn và quan trọng trong hệ thống vận tải hành khách Thủ đô.
Để đảm bảo tiếp tục kế thừa, phát huy những quy hoạch cũ, thành phố đang cho rà soát lại, xác định trong giai đoạn tới tập trung quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị. Đây cũng là nội dung mà thành phố xác định là quan trọng về vận tải hành khách trong giai đoạn tới.
Quy hoạch 14 tuyến đường sắt đô thị sẽ do Sở Giao thông vận tải tham mưu với UBND thành phố.
Với câu hỏi về việc sau khi phát triển thêm 14 tuyến đường sắt đô thị thành phố có tiếp tục triển khai buýt nhanh BRT hay không, ông Phong cho biết Sở Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này trong giai đoạn sau 2030 và những năm tiếp theo.
Ngày 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô. Thành phố sẽ bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm sẽ quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa thực tế chịu sự hạn chế về hạ tầng, do đó tương lai sẽ thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11.