Hà Nội: Kiến ba khoang "vào mùa" - nhiều người bị rộp da

(VOH) - Thời tiết của Hà Nội trong giai đoạn chuyển mùa nên kiến ba khoang xuất hiện nhiều tại các khu dân cư, nhất là ở các vùng ngoại thành.

Qua ghi nhận tại một số bệnh viện da liễu cho thấy, khá nhiều người lớn và trẻ em được điều trị các vết bỏng, loét trên da do kiến ba khoang gây ra.

Kiến ba khoang xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng nhiều nhất là vào ban đêm. Do đặc tính thích ánh sáng nên khi thấy ánh sáng chúng thường có xu hướng bay qua cửa sổ, cửa chính để vào nhà. 

Kiến ba khoang

Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng, chúng hay cư trú bụi râm, vườn cây, ruộng sau thu hoạch, nhà đô thị sau mưa ẩm, nhất là vào mùa thu. Đến mùa mưa chúng sẽ di trú ở nơi khô ráo hơn. 

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TPHCM, cho biết kiến ba khoang gây bệnh không phải do đốt người, mà dịch từ cơ thể của kiến dính vào da gây viêm da, rát, ngứa. Sau đó, bệnh nhân gãi, dịch dính tay, dính vào vùng da khác sẽ gây viêm da tiếp xúc gián tiếp nhiều chỗ trên cơ thể.

Vết thương điển hình do kiến ba khoang gây ra

Dính độc kiến ba khoang, người bệnh cảm giác râm ran, 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, rát đỏ. Từ 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình. Sau 3 ngày thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất. Nếu không giữ gìn cẩn thận, vết thương có thể bị loét, làm rỉ dịch. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân. 

Theo TS-BS Lê Ngọc Duy, Trung tâm Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin với độc tính gấp 12- 15 lần nọc rắn hổ mang. Do lượng tiếp xúc nhỏ, ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn mà chủ yếu gây phỏng da. Vết thương do kiến ba khoang cắn thường xuất hiện ở các vùng da hở với vệt dài hoặc thành từng đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, có thể bị loét, làm rỉ dịch. Đồng thời, vết thương thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu; một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Nó có thể dạng giống như vết thương của bệnh Zona do nhiễm herpes zoster hoặc eczema hepeticum hay viêm da bóng nước đã khô. 

Nếu đã tiếp xúc hoặc nghi ngờ tiếp xúc với kiến ba khoang, mọi người không nên dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Tuyệt đối không được dùng thuốc sát trùng có chứa I-ốt, sẽ làm vết thương nặng thêm.

 

>> Bị kiến ba khoang đốt: Cách xử lý và phòng ngừa đơn giản
(VOH) – Chất độc của kiến ba khoang được cho là cực kỳ nguy hiểm vì còn độc hơn so với nọc rắn hổ mang. Vậy bị kiến ba khoang đốt sẽ có dấu hiệu gì và cách xử lý nào mới là an toàn nhất?
Bình luận