Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường, khi mực nước sông Hồng, sông Đuống lên đến báo động số 3, quận dự kiến sẽ phải tổ chức dời khoảng 917 hộ với 3.345 người (Ngọc Thụy 457 hộ, 1.645 người; Ngọc Lâm 10 hộ, 35 người; Long Biên 250 hộ, 925 người; Cự Khối 200 hộ, 740 người).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận đã chỉ đạo UBND các phường tiếp tục rà soát và thực hiện di dời ngay các hộ dân trong vùng ngập úng, nguy hiểm khi tình huống phát sinh thêm.
Đồng thời, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước.
Các đơn vị kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bệnh viện Hà Nội di dời bệnh nhân do bị ngập
Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 ở quận Ba Đình bị ngập, nhiều bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thận Hà Nội điều trị. Một số bệnh nhân khó khăn trong đi lại, sinh hoạt được chuyển về Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cơ sở 1 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế.
Hiện, toàn bộ khu vực dẫn vào Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 bị ngập sâu, tầng một của viện cũng có hiện tượng ngập nước. Cơ sở y tế này nằm trong khu vực ngập úng do mực nước trên sông Hồng đang dâng cao những ngày qua.
Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 thực hiện khoảng 28.000 lượt chạy thận và điều trị nội trú khoảng 2.000 lượt người bệnh mỗi năm.
Ngày 11/9, Sở Y tế Hà Nội phân công 4 bệnh viện đa khoa hạng I của thành phố (gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đức Giang, Hà Đông) hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện đa khoa hạng II và trung tâm y tế trên địa bàn.
Bệnh nhân nặng, nguy kịch cần hội chẩn các chuyên khoa đầu ngành, các bệnh viện hỗ trợ và cơ sở y tế tuyến dưới lập các nhóm Zalo để trao đổi trực tuyến, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời.