Chờ...

Hải Dương cần tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo đông người

(VOH) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Hải Dương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp đến các cơ quan Trung ương, gây phức tạp về an ninh trật tự thủ đô Hà Nội. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo là do những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tiếp công dân .Hình minh họa

Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hải Dương phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị và Luật Tiếp công dân; tăng cường đối thoại, tiếp dân ngay tại cơ sở, nơi xảy ra vụ việc, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm từng vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của dân từ khi mới phát sinh; quá trình tiếp dân, phải đặt mình vào vị trí của dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấy được những bức xúc của dân, từ đó có biện pháp giải quyết thấu đáo, có lý, có tình.

Khi có công dân tập trung khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh phải chủ động chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội tổ chức tiếp công dân, có biện pháp để đưa công dân trở về địa phương giải quyết, không để tình trạng công dân tụ tập, khiếu kiện đông người tại Hà Nội, nhất là vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

Tổ chức đối thoại công khai với dân

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh phải quan tâm, dành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh các vụ việc mới, nhất là các vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Phó Thủ tướng lưu ý giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài phải trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân và dứt điểm được vụ việc. Trong quá trình giải quyết cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động, xem xét đầy đủ, thấu đáo các nội dung, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; nguyên nhân người dân chưa đồng tình với biện pháp giải quyết của chính quyền, xem xét bản chất của vụ việc, tố chức đối thoại công khai, làm rõ những nội dung có ý kiến khác nhau, trao đổi thống nhất, tạo đồng thuận hướng giải quyết vụ việc. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa, khắc phục, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, thấu đáo, có lý, có tình, cần giải quyết, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành, công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp hỗ trợ giúp người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. Nếu đã giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình mà các đối tượng cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kích động, vu cáo, gây rối an ninh, trật tự phải có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Khắc phục tồn tại trong công tác quản lý

Về công tác quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu Hải Dương phải có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành các quyết định hành chính phải tuân thủ theo đúng pháp luật, xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý theo quy định đối với người có thẩm quyền ban hành và tham mưu ban hành quyết định hành chính trái pháp luật, là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Hải Dương cần khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường, có các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn; chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, nhất là trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm./.