Hải Phòng tạm dừng tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để phòng dịch Covid-19

(VOH) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã quyết định tạm dừng tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống 2020 để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

UBND thành phố Hải Phòng đã đồng ý báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận Đồ Sơn về việc tạm dừng tổ chức Lễ hội chọi trâu truyền thống 2020 (gồm phần Lễ và phần Hội) để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn gọi là đấu ngưu, một tập tục cổ, lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Lễ hội diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm; là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam. Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng, rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm...

chọi trâu
Hải Phòng tạm dừng tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để phòng dịch Covid-19 (Ảnh: TTXVN)

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển; mang sắc thái riêng, gắn liền việc thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu; thể hiện bản sắc văn hóa, tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển hằng ngày đối diện với biển khơi và bão tố để mưu sinh.

Theo truyền thuyết và thần tích thì lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn là lễ hội cầu thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân địa phương có từ thế kỷ thứ 18. Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được khôi phục lại và được Nhà nước xác định là một trong 15 lễ hội quốc gia, bởi lễ hội này không chỉ có giá trị văn hoá, tín ngưỡng, độc đáo mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen.

Phần lễ vẫn giữ nguyên những nghi thức truyền thống với các nghi lễ trang trọng, mở đầu là lễ tế thần Điểm Tước, sau đó là lễ rước kiệu bát cống, long đình cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm dẫn trâu đi trình thành hoàng làng.

Phần hội diễn ra vào chính hội (9/8) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Điệu múa khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la. 

Trâu tham gia hội thi phải được những người dầy kinh nghiệm chọn kỹ và chăm nuôi từ cả năm trước. Mua trâu chọi là cuộc săn lùng vất vả, gian truân. Đồ Sơn lưu truyền một bài văn vần mô tả 16 điều tỉ mỉ về đầu, mặt, trán, tai, sừng, hàm, tóc, khoang cổ, ức, các khoáy, khung sườn, mình, chân, đuôi, bụng, bộ phận giao phối và những thói quen bộc lộ khí chất bên trong của trâu, cố nhiên là trâu đực…

Một nét độc đáo của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các trâu đều được mổ thịt tế lễ trời đất, cầu mùa màng thuận hoà. Người ta cũng tin rằng, nếu được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội, sẽ gặp nhiều điều may mắn.

LH (Tổng hợp)

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý và chấn chỉnh lễ hội chọi trâu - Ngày 9-8, Bộ VH-TT-DL cho biết Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã ký Quyết định số 3050 /QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch Tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu.

Trâu húc chết chủ, Bộ hỏa tốc đề nghị tạm dừng chọi trâu Đồ Sơn - 11h30 trưa 1-7, tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 bất ngờ trâu chọi 18 húc trọng thương người vừa dắt mình. Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch gửi ngay công văn hoả tốc đến Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hải Phòng.