Hàng loạt lý do khiến BV Bạch Mai và bệnh viện K xin dừng tự chủ toàn diện

(VOH) - Đại diện bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K giải thích lý do xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, do nhiều vướng mắc trong hai năm thực hiện.

Thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/11.

Thiếu trang thiết bị, "vướng" văn bản pháp quy

Sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là BV Bạch Mai và BV K đều đã xin dừng thí điểm. Tại buổi tọa đàm PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết bắt đầu từ quý II/2022 khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát thì số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh tăng lên đột biến, lúc đó bộc lộ tình trạng thiếu trang thiết bị rất nhiều, ví dụ như toàn bộ hệ thống thiết bị siêu âm, nội soi...

Hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật như robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống phẫu thuật nội soi hoặc không hoạt động hoặc hết hợp đồng liên doanh liên kết, phải đắp chiếu. Nguyên nhân do cơ chế ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng nên không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng.

Vì sao bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện? 1
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K phân trần trước đây, bệnh viện có 9 máy xạ trị, bây giờ chỉ còn 5 cái hoạt động vì có máy hết thời hạn khấu hao, có máy hết niên hạn sử dụng. Hiện tại, bệnh nhân ung thư phải chạy máy xạ trị, mỗi máy ít nhất 2-3 tiếng, có máy 24 tiếng, gần như bệnh nhân thức cả đêm để chạy xạ. Để đáp ứng được nguồn bệnh nhân xạ trị như hiện nay thì chúng tôi phải cần 10 máy nữa. "Mua 1 cái máy xạ trị đã mất 130 tỷ đồng, 10 máy 1.300 tỷ đồng, không biết đến bao giờ mới đầu tư xong. Do vậy, trước mắt chúng tôi rất muốn Nhà nước đầu tư 3-4 năm, sang năm thứ 5 chúng tôi đủ nguồn vốn thì tự chủ toàn diện".

Thu không đủ chi

Trên 90% bệnh nhân là người hưởng BHYT, trong số này có nhiều người nghèo, người có công, người vùng sâu vùng xa. Bệnh viện không thu thêm bất cứ nguồn thu nào, giá thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế, thực hiện nghiêm túc văn bản pháp quy hiện tại của Chính phủ, Bộ Y tế. Chênh lệch thu chi không có, bởi giá BHYT chúng ta xây dựng cũng khá lâu rồi, chỉ thu 1 phần viện phí, tức là chỉ thu 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Bệnh viện mặc dù đông bệnh nhân nhưng tất cả các khoản phải chi tất, từ chi cho con người, chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy trì bảo dưỡng. Thu không đủ để chi. Tự chủ về giá nhưng "giá ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định. Bệnh viện công lập phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể nâng giá lên để thu được".

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết hơn 2 năm qua khi thực hiện thí điểm tự chủ và ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân sách của bệnh viện rất khó khăn, không đủ chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên. 

Vì sao bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện K xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện? 2
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc BV K cho biết một trong những thách thức khi tự chủ toàn diện là vốn ở đâu để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và công nghệ. Thứ hai là tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế. Bảo hiểm y tế thì với mức đóng như thì với 7 yếu tố, liệu có đủ để chi trả không. Chắc chắn bệnh nhân sẽ phải chi trả nhiều hơn. Về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Cơ hội là khi tự chủ thì bệnh nhân đến đông hơn. Nhưng nếu Bệnh viện K đến đông hơn thì chúng tôi cũng quá tải vì cơ sở chỉ có thế, con người cũng theo mức độ như vậy. Thời gian qua bệnh viện đã tăng 30-40% so với thời kỳ trước dịch thì cũng đã quá tải rồi.

Nhiều cán bộ, bác sĩ nghỉ việc tại bệnh viện

Do thiếu thốn trang thiết bị, Bệnh viện Bạch Mai phải bố trí lại ca kíp làm việc. Số bệnh nhân ngoại trú tăng lên đột biến 6.000 đến 8.000 người đến khám, có ngày 10.000 người đến khám nên Bệnh viện phải bố trí lại ca kíp. Cán bộ y tế ở nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3-4h sáng, 5h sáng phải đến Bệnh viện. 

Nhiều y bác sĩ có chuyên môn nghiệp vụ tốt được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc. Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Từ tháng 1/2022 đến nay, có 110 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ không xứng đáng. "Mỗi cán bộ ra đi, từ chính quyền, công đoàn, lãnh đạo khoa giữ lại nhưng được 1-2 tháng, họ nói giám đốc chưa lo được cho đời sống của anh em. Có cán bộ đi vì thu nhập, có cán bộ cần các thiết bị y tế vì ngày mai giám đốc bệnh viện mới sẵn sàng mua lập tức" - PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.

Bình luận